Khám phá Đình Làng Mỏ Cày Nam thiết chế văn hóa - tín ngưỡng dân gian độc đáo

12/06/2023 1200 0
Cũng như những ngôi đình khác ở vùng Nam bộ, đình làng ở Mỏ Cày Nam là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng ra đời từ xa xưa. Đình thường tọa lạc ở vị trí đất cao đẹp, nội thất trong đình với nét chạm khắc tinh xảo biểu đạt cho sự hưng thịnh, ước vọng phú quý, khát vọng vương lên của người dân trong vùng.

Đình là nơi thờ Thành hoàng - nhân vật vừa mang tính huyền thoại vừa mang tính lịch sử, đan xen giữa “hư” và “thực” để làm nên diện mạo của vị “thần linh” bảo vệ làng, xã.

Ở Mỏ Cày Nam hầu hết xã nào cũng có Đình, tùy vào điều kiện mà việc xây cất, tôn tạo Đình lớn hay nhỏ, mỗi Đình có nét riêng nhưng đều mang vẻ uy nghiêm và mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân bản xứ.

Nếu có dịp về Mỏ Cày Nam du khách hãy đi một vòng vãng cảnh các Đình làng nổi bật của huyện để cùng cảm nhận sự khác biệt giữa đình làng Nam bộ và Bắc bộ cũng như tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Đầu tiên du khách hãy đến Đình Hội Yên thị trấn Mỏ Cày. Đình nằm ở nội ô thị trấn, thuận tiện tham quan cả đường bộ và đường thủy. Đình Hội Yên khá nổi tiếng vì phía trước Đình án ngữ 2 cây dầu to trên 200 năm tuổi, đây là di tích lịch sử cách mạng gắn liền với tín ngưỡng dân gian. Nơi đây ghi lại sự kiện tội ác của Tổng thống Ngô đình Diệm đã ban hành đạo luật 10/59 - một đạo luật phát xít man rợ. Vào những dịp cúng lễ, người dân địa phương tề tựu về đình Hội Yên chuẩn bị phẩm vật dâng cúng thần linh cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Ảnh khách tham quan Đình Hội Yên

Sau khi thăm đình Hội Yên hãy rẽ về ngã ba Thom, hướng cầu Cổ Chiên để thăm Đình Chùa bà. Đây là ngôi đình khá đặc biệt vì có sự gắn kết giữa việc thờ các vị thần trong tín ngưỡng của người Việt và người Hoa. Đình Chùa Bà mang một giá trị văn hóa vật thể quý giá thuần Nam bộ của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, đây còn là nơi tinh hoa nghệ thuật hội tụ những nét đẹp phi vật thể có giá trị như nghi lễ, phong tục, âm nhạc dân ca...Nội thất bên trong đình đã thể hiện được sự gắn kết giữa tâm linh tín ngưỡng với đời sống bình dân, chân chất trong tâm tưởng người nghệ nhân qua các chủ đề trang trí gắn liền với thực tế.

 Đình gắn liền với một huyền tích đẹp (tích hai Bà bán tơ trợ cứu vua Gia Long) để làm biểu tượng cho đức nhân ái, tính nghĩa hiệp của người Việt Nam. Ngôi đình có chức năng là ngôi nhà chung thiêng liêng và từ đây mọi sinh hoạt của địa phương đều tổ chức diễn ra. Từ đó, đình Chùa Bà mặc nhiên trở thành nơi gắn kết cộng đồng và là nơi người dân thể hiện tinh thần đoàn kết, tinh thần trách nhiệm trong việc tin thờ Thần Thành Hoàng và Thiên Hậu thánh mẫu.

Sau khi thăm đình Chùa bà, du khách hãy đến ngôi Đình khá nổi tiếng của huyện nữa nhé! Đó là Đình Rắn.

Ảnh khách tham quan Đình Rắn, xã Định Thủy

 Đình Rắn còn được gọi là đình Định Nhơn, tương truyền rằng ngày xưa khu vực này rất nhiều rắn nên dân làng gọi là đình Rắn. Đình Rắn nằm cách Nhà Truyền thống Đồng Khởi 500m vế hướng Đông - Bắc. Du khách đến tham quan đình Rắn bằng giao thông đường bộ là thuận lợi nhất.

Đình Rắn - Một địa điểm trong quần thể di tích Đồng Khởi đã được chính quyền cùng nhân quan tâm phục dựng để lưu lại dấu ấn của một thời đấu tranh gian khổ mà anh dũng. Đình Rắn ngày nay, còn là nơi thờ cúng thần linh cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu sự an lành cho bà con, nhân dân ở địa phương. Đây là niềm tự hào của nhân dân địa phương, một nơi tôn nghiêm tín ngưỡng dân gian làm điểm tựa tâm linh cho người dân có cuộc sống an lành. Ngày cúng lễ Kỳ Yên tại Đình có sự tham gia đông đảo của nhân dân địa phương. Và đình Rắn cũng nơi tham quan của du khách khi về lại cái nôi của phong trào Đồng Khởi.

Tham quan xong Đình Rắn du khách hãy đi về hướng huyện Thạnh Phú để cùng tham quan 3 ngôi đình cũng khá đẹp của huyện đó là Đình An Định và Đình Hương Mỹ, Đình An Thới. Đây là 3 ngôi đình vẫn còn giữ lại nét kiến trúc cỗ xưa, mang dấu tích của thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Nếu có dịp du khách hãy đến thăm các Đình trên vào lễ Kỳ Yên hay giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3 âm lịch để trãi nghiệm, cảm nhận sự uy nghiêm của nghi thức lễ hội và sự đoàn kết cộng đồng, tinh thần dân tộc, nét văn hóa vùng miền thể hiện đậm nét tại các Đình.

Thu Sương

Related Post

Sample Plan

X

Notification