Đôi nét lịch sử hình thành và phát triển Đình thần Phú Tự

10/03/2023 973 0
Nguyên xưa thôn Phú Tự nằm trong 66 thôn của tổng An Bảo, huyện Tân An, dinh Long Hồ. Đình ban đầu được xây dựng bằng gỗ lá đơn sơ trên gò Xoài, cách trung tâm tỉnh lỵ 2,5 dặm về phía Đông, bốn bề cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sớm chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà nhã thú. Đến năm 1904, ông Trần Văn Khương hiến 1 mẫu đất cùng nhân dân trong vùng mở rộng ngôi đình. Công cuộc xây dựng đình bắt đầu dưới sự chỉ huy của thầy địa lý Nguyễn Trí Mưu.

DINH PHU TU - 1032023 (4).jpg 

Đình Thần Phú Tự

Đình Phú Tự hiện toạ lạc tại ấp Phú Tự, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Đây là một trong số những ngôi đình cổ của “vùng đất Xứ Dừa Bến Tre" còn tồn tại cho đến ngày nay, là một quần thể kiến trúc gỗ bao gồm các hạng mục công trình như bình phong, đình chính và các miễu thờ.

Nổi bật và án ngữ trước chính diện ngôi đình là bức bình phong kết hợp với đàn Xã Tắc tức nơi thờ Thần Nông tạo tác năm Đinh Sửu 1997 chạm trổ mặt trước tích Long Mã Hà Đồ - biểu trưng cho âm dương hòa hợp, mang đến điềm lành, ngăn chặn những thế lực không tốt xâm phạm vào nơi thờ tự. Mặt sau đắp nổi hai chữ "Thần Nông" cùng đôi câu đối: "Canh điền vi quốc kế/ Phục dược độ nhân sinh". Hằng năm tại đàn Xã Tắc diễn ra hai lệ cúng Hạ Điền vào ngày mùng 10 tháng 5 và Thượng Điền mùng 10 tháng 10 với ý nghĩa cầu nguyện cho mùa màng tốt tươi, nhà nhà no ấm.

DINH PHU TU - 1032023 (1).jpg

Đàn Xã Tắc (miễu thờ Thần Nông) tại Đình Thần Phú Tự

Bên cạnh đàn Xã Tắc, trong khuôn viên đình còn hai ngôi miễu thờ Sơn Quân và Thiên Y A Na cùng Ngũ vị nương nương.

Đình chính với 3 nếp nhà liên tục gồm Võ Ca, Bái Đường và Chánh Điện. Tất cả khung sườn nhà bao gồm cột, kèo, rui, mè đều làm bằng gỗ quý vững chắc trên phần nền kè gạch thức, mái lợp ngói âm dương.

DINH PHU TU - 1032023 (2).jpg

Khu Chánh điện Đình Thần Phú Tự

Nội thất đình Phú Tự bố trí theo chiều sâu, liên kết giữa bái đường, và chánh điện là các hàng án thờ cao lớn, bao lam trên các khoảng gian cột, hoành phi, long trụ, liễn đối, chạm trổ tinh tế. Các đề tài được sử dụng chủ yếu là tứ linh, tứ thời, hoa lá, chim thú, ... bằng thủ pháp chạm lọng, chạm âm, chạm dương, tất cả đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Dù đã trải qua hàng 100 năm tồn tại nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp ban đầu. Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật cổ khác có giá trị, được nhiều thế hệ giữ gìn chu đáo nguyên vẹn trong đó phải kể đến bản sắc phong Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh năm Khải Định thứ 2 cấp vào ngày 18 tháng 3 năm 1917.

Hằng năm đình có 4 lệ cúng chính gồm:

Lễ Kỳ Yên vào ngày 16, 17 tháng 3

Lễ Hạ Điền vào ngày 10 tháng 5

Lễ Thượng Điền vào ngày 10 tháng 10

Lễ Chạp Miễu vào ngày 16,17 tháng 12

Với các nghi thức truyền thống như Thỉnh Sắc Thần, Tế Tiền Hiền - Hậu Hiền…với ý nghĩa mong cầu sự phù trợ của Thần Thành Hoàng và tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang mở đất, thu hút rất đông bà con địa phương và du khách các nơi đến tham quan chiêm bái.

DINH PHU TU - 1032023 (3).jpg

Thỉnh Sắc Ông về đình trung an vị - Lễ cúng lệ Lạp Miếu Đình Thần Phú Tự tháng Chạp năm Nhâm Dần - 2022

Với những nét tiêu biểu về kiến trúc, bề dày lịch sử văn hóa đặc sắc, Đình Phú Tự đã được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa Cấp tỉnh vào năm 2008, trở thành một điểm đến du lịch không thể bỏ qua khi đến với thành phố Bến Tre./.

Vĩnh An

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo