Đình Thần An Hội - Một Nét Văn Hoá Giữa Lòng Thành Phố

24/11/2023 391 0
Từ bao đời nay, “cây đa, bến nước, sân đình” là hình ảnh thân quen, gắn bó với đời sống của cộng đồng cư dân người Việt, không chỉ mang giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc mà còn là kho tàng chứa đựng văn hóa, giá trị nhân văn mang sức sống mãnh liệt của địa phương. Đình làng ở Nam Bộ nói chung và đình làng ở Bến Tre nói riêng được hình thành lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn vẫn giữ nguyên giá trị và được đưa vào hoạt động du lịch như một nét đặc trưng về văn hóa bản địa, giới thiệu đến du khách gần xa.

Đình An Hội (phường An Hội, thành phố Bến Tre) là một ngôi đình cổ thờ thần, xây dựng vào triều Nguyễn. Đình ban đầu thuộc thôn An Đức, huyện Bảo Hựu, sau được đổi thành An Hội. Đây là một trong các thôn cổ được đề cập trong Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức viết vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Đình được ông Huỳnh Văn Sắc sáng lập, lúc bấy giờ ông là một quan chức do triều đình cử về làm việc tại thôn An Đức. Vào ngày 11/11/2014 đình được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo quyết định số 2253/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre.

Chánh môn đình An Hội

Hiện nay, đình thần An Hội toạ lạc ngay trung tâm thành phố Bến Tre, trên trục đường Nguyễn Đình Chiểu, đối diện với Trung tâm thương mại. Qua 02 lần trùng tu, tôn tạo, lần đầu vào năm Ất Mùi (1895), sau đó 60 năm đình được tôn tạo lần thứ hai xây dựng bổ sung nơi Chánh điện cũng vào năm Ất Mùi (1955). Tổng diện tích của đình là 1.149,8 m2, trong đó diện tích xây dựng là 920,8 m2 được chia thành 05 khu vực, gồm: khu Võ ca, khu Sân tương, khu Trung đình, khu Chánh điện và khu Hậu đình.

Kiến trúc bên ngoài Trung đình và Chánh điện đình An Hội

Ngôi đình được xây dựng theo kiểu đặc trưng của các đình làng thời nhà Nguyễn. Mái đình lợp bằng ngói âm dương, tạo hình uốn cong theo kiến trúc cổ của phương Đông. Phần mái hếch lên ở góc rất thanh thoát, lấy cảm hứng từ những mũi thuyền của nền văn minh sông nước xa xưa. Ngay từ đầu khi xây dựng, những người thợ lắp đặt dãy tượng “Bát tiên dự hội” trên phần mái của Trung đình rất sống động. Dãy tượng kỳ công này được xem là cổ nhất của đình. Trên mái đình còn được lắp đặt 8 con nghê chầu “Bát tiên dự hội” có chất liệu bằng gốm sứ tráng men với biểu tượng tạo hình thuần Việt.

Dãy tượng “Bát tiên dự hội” sống động trên mái Chánh điện

Nổi bật là khu Chánh điện được xây dựng với phần giữa tôn cao, phần mái được trang trí lưỡng long chầu nhật, ngư hoá long và một số hoa văn cách điệu. Mặt tiền là vách gỗ chạm lộng hoa văn độc bình, hoa lá, chim muông; khung cửa chính có bao gỗ sơn son thếp vàng chạm nổi hoa mai, cúc, hoa sen và cuốn thư… Ở đây đặc biệt còn có bao lam chạm lộng sen - tước cầu kỳ được tạo vào năm Tân Tỵ (1941) do một người ở thôn An Hội hiến tặng. Nội thất của đình được trang trí nhiều hoành phi, liễn đối bằng chữ Hán chạm trổ rất tinh vi. Có 03 hệ thống thờ cúng ba vị thần của ba làng là An Đức, Phú Khương và Mỹ Hoá được đặt trang trọng và uy nghiêm bao gồm bàn hương án bên ngoài, bàn nghi ở giữa và trong cùng là bệ xi măng dán gạch bên trên có ba khánh thờ thần.

Chánh điện đình An Hội

An Hội là một trong số ít các đình ở Bến Tre được cấp và thờ phụng nhiều sắc phong. Thôn An Đức được ban cấp cho 03 sắc, 02 sắc phong niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 5, 01 sắc phong niên hiệu Tự Đức năm thứ 3, đều cho Bổn Cảnh Thành Hoàng thôn An Đức. Ngoài ra, một điểm khác biệt là đình còn phối thờ thêm sắc phong của thôn Mỹ Hóa với 03 sắc niên hiệu Tự Đức năm Thứ 5 cho 03 vị: Bổn Cảnh Thành Hoàng, Cao Các Quảng Độ và Đại Càn Quốc Gia Nam Hải. Về sắc Phú Khương không còn thờ ở đình An Hội, hiện chỉ thờ vọng, sắc phong đó đang thờ tại đình Phú Khương.

Sắc phong niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 5 (1845) phong cho Bổn Cảnh Thần Hoàng thôn An Đức - An Đức Thành Hoàng với mỹ tự Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Chi Thần

Những giá trị tại đình thần An Hội thể hiện quan điểm, ý chí và nguyện vọng của những bậc tiền nhân: cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, đất nước thái bình, hưng thịnh, nhân dân hạnh phúc, ấm no… qua các văn tự, câu đối, liễn đối tại đình, có thể kể đến như: “Việt Phong Điều Vũ Thuận/Việt Quốc Thái Dân An”. Đây là những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, kiến trúc, nghệ thuật… qua đó thể hiện công lao khai khẩn của các bậc tiền nhân, các người thợ thủ công bậc thầy mà hiện nay đã mai một, có công lớn trong khẩn hoang, xây dựng đình miếu, tạo ra các công trình kiến trúc tiêu biểu và có giá trị.

Ngoài việc thờ thần, Đình An Hội còn có những công trình tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc: điện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây vào tháng 4/2014; bàn thờ vua Hùng Vương, thờ tiền hiền - hậu hiền của làng An Hội; bàn thờ những người con An Hội đã ngã xuống trong cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc.

Hằng năm đình tổ chức trang trọng các lễ cúng Kỳ Yên (12,13/3 âm lịch), lễ Lạp Miếu (12,13 tháng Chạp) …Trong đó, lễ cúng quan trọng nhất là lễ Kỳ Yên. Ngoài ra, còn tổ chức lễ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), lễ kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27/7 như các nơi trong cả nước.

Không gian rộng rãi bên trong khuôn viên Võ ca đình An Hội

Hiện nay, tại thành phố Bến Tre có 01 di tích xếp hạng cấp quốc gia: Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo (146 đường Hùng Vương, phường An Hội,) và 06 di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh đã được công nhận, gồm: Đình Phú Tự và cổ thụ Bạch Mai (Ấp Phú Tự, xã Phú Hưng); Đình An Hội (Đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường An Hội); Đình Phú Nhuận (Cầu Nhà Việc, xã Phú Nhuận); Tòa Thánh Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre (Số 100 Trương Định, phường 6); Sự kiện Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 ở Bến Tre (Hiện bia lưu niệm sự kiện được xây dựng trong khuôn viên Hội trường lớn UBND tỉnh, thuộc phường An Hội); Đền thờ Ân sư tiền vãng (phường An Hội).

Đình An Hội nói riêng và các di tích lịch sử - văn hoá tại thành phố Bến Tre nói chung góp phần làm phong phú nguồn tài nguyên du lịch tỉnh nhà, nổi bật các giá trị về lịch sử và ghi lại dấu ấn về một nét văn hoá truyền thống giữa lòng thành phố Bến Tre./.

Đoàn Tứ - Trúc Giang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo