Đình thần - Đình Phú Tự - Nét đẹp trong văn hoá Xứ Dừa

16/03/2023 1625 0
Lịch sử khai phá của Bến Tre ngót nghét hơn 3 thế kỷ, từ khi vùng này còn hoang sơ “dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um” trở nên trù phú với những vườn cây xanh, vườn dừa bạt ngàn, người dân được an cư lạc nghiệp…quá trình khai hoang, mở đất đó đã góp phần tạo nên và để lại dấu ấn văn hoá phong phú trên vùng đất này.

Tín ngưỡng dân gian là một trong các đề tài được Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bến Tre quan tâm, thực hiên chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá phi vật thể của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch từ năm 1998. Tín ngưỡng dân gian ở Bến Tre tồn tại dưới 3 hình thức: tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng, tín ngưỡng thờ Mẫu và tín ngưỡng thờ cá Ông.

Theo thống kê toàn tỉnh có 207 đình thần, trong đó có 3 ngôi đình được Bộ Văn hoá - Thông tin, nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và  Du lịch công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia gồm đình Bình Hoà thuộc thị trấn Giồng Trôm, huyện Giồng Trôm; đình Phú Lễ, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri và đình Tân Thạch, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành (Di sản văn hoá phi vật thể tỉnh Bến Tre - Lư Hội). Nhiều đình thần được công nhận là di tích cấp tỉnh như đình Tân Ngãi, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc; đình Phú Tự, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre; đình Tân Hưng, xã Tân Hưng, huyện Bình Đại…

Về thăm Xứ Dừa Bến Tre, tìm hiểu những giá trị về văn hoá nơi đình cổ -  nơi góp phần sẽ làm ý nghĩa hơn chuyến tham quan của du khách. Và đình Phú Tự ở thành phố Bến Tre là một điểm đến đặc biệt hơn nữa bởi có cây Bạch Mai - loài kỳ hoa dị thảo.

Đình Thần Phú Tự (ảnh: Đoàn Tứ)

Đình Phú Tự được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Tỉnh thuộc loại hình tín ngưỡng dân gian - lịch sử cách mạng vào ngày 10/01/2008. Đình toạ lạc tại ấp Phú Tự, xã Phú Hưng, cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 5km, đây là một trong số những ngôi đình cổ của “vùng đất văn hoá Bến Tre” còn tồn tại cho đến ngày nay.

Đình Phú Tự thờ Thành hoàng Bổn Cảnh được phong sắc vào thời Khải Định nhị niên (1917) “Sắc Bến Tre tỉnh Bảo Thành tổng Phú Tự thôn phụng sự bổn cảnh thành hoàng tôn thần”, sắc phong này chính là sự chuẩn nhận, công nhận vị “Viên Chức” thay mặt Vua thực hiện việc trông coi một làng, có nhiệm vụ bảo vệ dân, và che chở dân, sắc phong còn được xem là “Bảo vật của đình”.

Đình bao gồm các hạng mục công trình như bình phong, đình chính và các miễu thờ. Nội thất đình Phú Tự bố trí theo chiều sâu, liên kết giữa bái đường và chánh điện là các hàng án thờ cao lớn, bao lam trên các khoảng gian cột, hoành phi, long trụ, liễn đối, chạm trổ cực kỳ tinh tế. Các đề tài được sử dụng chủ yếu là tứ linh, tứ thời, hoa lá, chim thú, ... bằng thủ pháp chạm lọng, chạm âm, chạm dương, tất cả đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngoài ra còn rất nhiều hiện vật cổ khác có giá trị, được nhiều thế hệ giữ gìn chu đáo…

Một phần nội thất và kiến trúc đình Phú Tự (ảnh: Đoàn Tứ)

Từ xưa đình làng đã gắn liền với quá trình khẩn hoang của cha ông và đi vào tiềm thức của biết bao thế hệ con cháu. Nếu như việc thờ phụng tổ tiên chính là toàn bộ các hình thức lễ nghi, cúng bái nhằm thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, biết ơn của con cháu với tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời, thì sự thờ phụng Thành hoàng đóng vai trò liên kết cộng đồng làng xã, là nơi quy tụ tâm linh cho cư dân. Thành hoàng chứng kiến đời sống của dân làng, ban phúc độ trì cho những người trung hiếu, hiền lành, và giáng họa trừng phạt những kẻ độc ác vô luân. Khi có tai biến, người ta thường đến lễ bái cầu xin thần che chở.

Hằng năm tại đình Phú Tự có 4 lệ cúng chính gồm: Lễ Kỳ Yên vào ngày 16, 17 tháng 3; lễ Hạ Điền vào ngày 10 tháng 5; lễ Thượng Điền vào ngày 10 tháng 10; lễ Chạp Miễu (Lạp Miếu) vào ngày 16,17 tháng 12 với các nghi thức truyền thống như: Thỉnh Sắc Thần, Tế Tiền Hiền - Hậu Hiền…với ý nghĩa mong cầu sự phù trợ của Thần Thành Hoàng và tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai hoang mở đất, thu hút rất đông bà con địa phương và du khách các nơi đến tham quan chiêm bái.

 

“Đình Phú Tự nhớ về nguồn cội

Trồng Bạch Mai ghi dấu người xưa

Khí thiêng sinh hoa quý

Đất linh trổ người tài…”

(Trích Bạch Mai Bi Ký)

Cổ thụ Bạch Mai (ảnh: Đoàn Tứ)

Cổ thụ Bạch Mai trong sân đình hiện đã hơn 300 năm tuổi đứng giữa trời mây, được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào ngày 14/02/2014. Hằng năm vào giữa tiết Lập Xuân và tiết Thanh Minh (từ giữa rằm tháng giêng đến rằm tháng hai Âm lịch) trăng tròn sáng tỏ Bạch Mai lại nở hoa trắng xoá, toả hương thơm ngát. Theo lời các vị cố lão địa phương ngày xưa còn lưu lại bốn câu thơ nói về cổ thụ Bạch Mai như sau:

 

Khí thiêng hun đúc Bạch Mai thần

Phú Tự Đình xưa bóng rợp sân

Xuân trổ ngàn hoa đơm trắng phếu

Đông đâm muôn lộc phủ trong ngần”.

Tại đình Phú Tự còn có hai cây cổ thụ khác có tuổi thọ trên 100 năm là cây khế chua và cây thị được trồng phía sau đình, góp phần tạo thêm giá trị cho đình Phú Tự - vùng phước địa sinh kỳ hoa dị thảo.

Nhìn chung có muôn vàng những giá trị nơi đình cổ, đặc biệt là những giá trị về văn hoá. Những giá trị tại đình Phú Tự nói riêng và đình thần ở Bến Tre nói chung là nguồn tài nguyên du lịch phong phú và hấp dẫn mà càng tìm hiểu, khám phá lại thấy càng nhiều sự thu hút du khách đến tham quan. Đình thần - đình Phú Tự - nét đẹp trong văn hoá Xứ Dừa./.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo