Cổ thụ Bạch Mai tại Đình thần Phú Tự

10/03/2023 668 0
​Nói đến Tết Phương Nam thì hoa mai từ xưa đã xứng danh làm loài hoa đại diện. Vốn nổi bậc với sắc vàng tươi, chờ đến tiết xuân mà trổ nhụy khoe màu, cái tên được tiền nhân đặt cho gửi gắm sự mong cầu về một năm may mắn sung túc.

BACH MAI CO THU - 1032023 (1).jpg 

Bạch Mai tại Đình Thần Phú Tự

Nếu như mai vàng phân bố nhiều nhất ở dãy Trường Sơn kéo dài cho đến vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, bình dị và gần gũi, đa số nhà nào ít nhất cũng có đôi ba cây để Tết có thêm sắc màu, bên cạnh đó có một loài mai mà theo nhiều nhà nghiên cứu xưa và nay đánh giá xếp vào hàng "Kỳ Hoa Dị Thảo" - BẠCH MAI.

Bạch Mai được nhắc đến ở đây hoàn toàn không phải loại mai trắng có 5 hoặc 10 cánh thường thấy cùng họ với mai vàng, mà là loài mai được cụ Trịnh Hoài Đức nhắc đến trong GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ khi khảo tả về Trấn Phiên An, địa danh Mai Khâu- Gò Cây Mai: "...Ở về phía Nam cách trấn thành mười ba dặm rưỡi, gò đất nổi cao, có nhiều cây Nam Mai thân cỗi nghiêng ngang, nhưng khi trổ hoa nở không bung xòe trắng tinh rạng rỡ, cánh hoa vẫn còn úp túm giữ mùi thơm. Thứ hoa này vốn bẩm linh khí mà sinh ra, không thể dời trồng ở nơi khác được. Trên có chùa Ân Tông, đêm tụng kinh, chiều đánh chuông, âm thanh tản mạn trong mây khói, giống như đang ở giữa thế giới núi Linh Thứu của Phật. Lại có suối trong chảy quanh chân núi, các du nữ chiều mát quẫy mạnh mái chèo đi hái sen, gặp khi trời đẹp, văn nhân thi sĩ mang bầu rượu leo lên từng bậc cấp ngâm vịnh dưới gốc hoa ở đầu gò, câu chữ nồng nàn, thật là một thắng cảnh cho người du lãm..."

Nếu luận về kích thước chắc không loài mai nào thân cây vượt ngoài 0,5m đường kính, có thể cao trên 10m, mai này có phiến lá dày, hình dáng lá khá giống lá mù u.

BACH MAI CO THU - 1032023 (2).jpg

Gốc Mai Mù U bên cạnh miễu thờ Thiên Y A Na và Cửu vị nương nương tại Đình Thần Phú Tự

Sở dĩ có tên Bạch Mai là vì mỗi năm như họ nhà mai, hoa nở một lần đúng vào tiết xuân, hoa có bốn cánh trắng, nhị vàng. Còn một loài cây khác rất giống Bạch Mai kể trên đó là loại Mai Mù U, xuất hiện ở một số nơi như Chùa Giác Viên (Quận 11- TP Hồ Chí Minh), Chùa Giác Lâm ( Quận Tân Bình -TP Hồ Chí Minh), Chùa Phụng Sơn (Quận 11-TP Hồ Chí Minh), Lăng Mạc Cửu (Hà Tiên- Kiên Giang)... do có lá, thân rất giống nhau nên gây sự nhầm lẫn giữa hai loại cây này, dấu hiệu phân biệt rõ nhất là khi hoa nở, hoa Bạch Mai cánh màu trắng ngà, cuốn hoa ngắn, nhị vàng cam chiếm số lượng nhiều, không có nhụy nên tất cả đều là hoa đơn tính, đặc biệt không nhân giống chiết ghép được. Trái lại Mai Mù U hoa có cánh nhỏ hơn, cuốn hoa dài, màu trắng đục, nhị ít màu vàng nhạt, giữa hoa có bầu nhụy trở thành hoa hữu tính, hoa tàn sẽ hình thành trái. Trái Mai Mù U có dạng bầu dục, khi trái sống có màu xanh, chín ngả sang màu vàng cam, bên trong vỏ có lớp cơm mỏng bao lấy hạt, cơm trái ăn được có vị ngọt hơi chua. Chính vì có trái nên cây dễ dàng nhân giống bằng cách gieo hạt, khu vực Lăng Mạc Cửu có cả một rừng Mai Mù U như thế, không như Bạch Mai "Thụ linh khí mà sinh ra, không đem trồng nơi khác được..."

BẠCH MAI ĐÌNH PHÚ TỰ - CÂY BẠCH MAI duy nhất, thọ nhất hiện còn lại trên đất Nam Bộ, gắn liền với lịch sử khẩn hoang mở đất Bến Tre, được nhiều thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tâm linh đặc sắc.

Những năm cuối thế kỷ XVII, khi lưu dân đầu tiên đặt chân đến đây khai phá đã chọn vùng đất cao hợp bởi ba con giồng. Nơi Cổ Thụ Bạch Mai tọa lạc là một trong ba giồng cát đó. Thấy loài cây lạ, dáng dấp cổ thụ, tiết xuân hoa nở trắng xóa, cho rằng đây là phước địa nên tiền nhân trân trọng giữ gìn, nhiều người tỏ lòng mến mộ muốn nhân giống cây để mang về trồng nhưng đều bất thành, thêm việc nhiều câu chuyên linh thiêng xung quanh cây được lan truyền khắp nơi, nên người đời kính cẩn gọi là "Thần Mai". Sau khi hoàn tất công cuộc khai phá, 1808 (Gia Long năm thứ 7) thôn Phú Tự chính thức được triều đình nhà Nguyễn công nhận, dân làng bắt đầu dựng một ngôi đình bên cạnh cây cổ thụ để thờ phụng Thần Linh. Giai đoạn khoảng những năm 1808 đến năm 1904, Cổ Thụ Bạch Mai nằm ở bên hông ngôi đình Thần, đến năm 1904 sau khi trùng tu quay cửa đình về hướng Nam, từ đó cây trở thành một yếu tố phong thủy trong kiến trúc đình hiện tại "bức bình phong" tự nhiên án ngữ trước chính môn, ngăn chặn những điều không tốt xâm nhập vào nơi thờ tự bên trong.

CHỨNG NHÂN LỊCH SỬ - Cụ thể vào ngày 22 rạng 23 tháng 1 âm lịch năm Mậu Thân (1968), xảy ra trận đánh lớn, khu vực đình bị máy bay giặc bỏ xuống 5 trái bom, hai trái rơi cạnh gốc Mai nổ làm cây bị ngã hết thảy 12 thân lớn, dấu tích còn lại đến ngày nay, mặc dù vậy cây vẫn không chết, tiếp tục đâm chồi phát triển xanh tốt. Ba trái bom còn lại rơi lên mái ngói đình, trượt dài lăn ra xa mới phát nổ, thành ra ngôi đình chỉ bị hư hỏng nhẹ phần ngói lợp. Bà con xung quanh đình lúc bấy giờ hết thảy đều di tản qua đây khi trận đánh xảy ra nên được an toàn, mặc dù nhà cửa bị bom bỏ cháy sáng cả một vùng. Từ đó đức tin về sự linh thiêng của ngôi đình và vị Thần Mai bảo hộ thôn xóm ngày một lan xa, nhiều thế hệ con cháu sau này vẫn luôn được ông bà kể lại mỗi dịp Tết đến xuân về.

BACH MAI CO THU - 1032023 (3).jpg

Bạch Mai đơm trắng ngàn hoa dịp tháng Giêng năm Quý Mão – 2023

Hằng năm, cứ mỗi khi hoa nở rộ, hương chức đình lại trải lưới để hứng hoa, phơi khô làm cả 1000 phần lộc để bà con có dịp về dự lễ đình thỉnh. Hoa Bạch Mai ở đây cũng không biết từ khi nào được sử dụng như trà, một nhúm hoa mai tươi hay khô cho vào bình, thêm nước sôi vào là có bình trà hoa Bạch Mai thơm giải nhiệt, cũng có nhà tranh thủ qua nhặt về ngâm rượu để khoảng 1 năm cho ra loại rượu màu nâu đỏ rất đẹp, mùi hương ngào ngạt, hương vị khác lạ khó quên...

Trải qua hơn 3 thế kỷ sừng sững hiên ngang, kiên cường không khuất phục lửa đạn chiến tranh, Cổ Thụ Bạch Mai là minh chứng sống, gắn bó với bao thế hệ cùng bám đất giữ làng, trở thành niềm tự hào của vùng đất vốn dĩ là " phước địa nên sinh xuất kỳ hoa dị thảo"...

Vĩnh An

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo