Đậm đà vị bánh phồng chuối Sơn Đốc

23/11/2023 305 0
Bánh phồng Sơn Đốc là đặc sản nổi tiếng thuộc địa danh Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Nơi đây được người dân và du khách biết đến là “xứ sở” bánh phồng đa dạng về chủng loại như: bánh phồng nếp, bánh phồng mì, bánh phồng sữa, …. Trong đó, có một loại bánh phồng bình dị mang hương vị hấp dẫn được người dân sáng tạo qua quá trình lao động và nhận được nhiều lời khen của du khách khi có dịp đến Bến Tre, thưởng thức với tên gọi bánh phồng chuối.

Bánh phồng chuối là sự kết hợp độc đáo giữa khoai mì (củ sắn theo cách gọi miền Bắc), nước cốt dừa và chuối. Để có được bánh phồng ngon, phải trải qua nhiều công đoạn. Chọn những củ khoai mì to, nhiều bột; sau đó, lột vỏ, rửa sạch, luộc chín kỹ và giã nhuyễn cùng với đường cát (để bánh mềm, mịn) rồi cho nước cốt dừa vào, trộn đều, vo tròn đều để cán bánh. Công đoạn cán bánh thực hiện bằng thủ công (không qua máy móc) là quá trình đặt hết tâm trí và sự lành nghề của người thợ để tạo ra những thành phẩm trọn vẹn.

Chuối làm bánh phải là chuối xiêm chín, được chọn lọc cẩn thận, trái vừa chín và không bị thâm đen để bánh có màu vàng rộm bắt mắt. Công đoạn cắt và dán chuối đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ và kiên nhẫn của người thợ lành nghề vì phải đảm bảo miếng chuối vừa phải, không quá dày và không quá mỏng được cắt thủ công và kết dính vào chiếc bánh phồng. Sau đó đem bánh đi sấy và phơi bánh để tạo ra những thành phẩm trọn vẹn.

Công đoạn cắt và dán chuối vào bánh phồng (Ảnh: B.T)

Bánh phồng chuối được sấy trong lò (Ảnh: XTDL).

Khâu phơi bánh phồng cũng được chú trọng vì phụ thuộc vào thời tiết để bánh có thể phồng và đạt độ ngon; bánh muốn ngon phải nướng trên bếp than hồng đỏ rực, tạo mùi vị thơm ngon của sản vật quê hương gói trọn tinh thần của người làm ra chiếc bánh. Bánh phồng sau khi nướng sẽ có độ giòn kết hợp với vị béo ngậy từ dừa và nước cốt dừa hòa quyện cùng với hương chuối thơm thoang thoảng khiến bánh đặc biệt khó quên khi đã thưởng thức.

Phơi bánh phồng chuối phải phụ thuộc vào thời tiết (Ảnh: XTDL)

Ngày trước, người dân sáng tạo ra chiếc bánh phồng chuối thêm chủng loại phục vụ các ngày lễ, Tết. Thế nhưng ngày nay, chiếc bánh phồng chuối đặc biệt phổ biến, được nhiều du khách từ già đến trẻ rất ưa chuộng, thường được du khách mua về tặng cho bạn bè, người thân khi có dịp ghé thăm Xứ Dừa.

Bánh phồng Sơn Đốc cùng với làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2018. Đó là niềm tự hào của người dân tạo ra chiếc bánh và niềm vui của cư dân Bến Tre bên cạnh nhiều sản vật của đất trời. Chính vì vậy, để xây dựng được thương hiệu bánh phồng Sơn Đốc nói chung và bánh phồng chuối Sơn Đốc nói riêng thật sự là cả một quá trình lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của người dân làng nghề sau những thăng trầm trong hơn 100 năm qua.

Thành phần bánh phồng chuối (Ảnh: banhphongsondoc.vn)

Điều làm cho bánh phồng chuối chỗ đứng trên thị trường như hiện nay chính là hương vị cùng chất lượng từ cái “tâm” và sự lành nghề của người thợ, thể hiện được bản sắc cộng đồng, nét văn hóa, sự sáng tạo được kế thừa qua bao thế hệ.

Theo dòng thời gian, cùng với sự đa dạng của các món ăn hấp dẫn khác, nhưng đối với người dân Bến Tre, đây là loại bánh thân thuộc và không thể thiếu trong mỗi gia đình. Dù già hay trẻ, lớn hay bé, ai ai cũng say đắm hương vị của món ăn này. Thử một lần về Bến Tre thưởng thức hương vị bánh phồng chuối, chắc chắn sẽ làm lưu luyến bao thực khách phương xa muốn một lần quay trở lại nơi đây./.

Bảo Trâm

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo