Nón Bến Tre từ nguyên liệu dừa

04/11/2021 1506 0

Sản phẩm tranh giấy dừa nghệ thuật của ông Huỳnh Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Escoco Vietnam (huyện Mỏ Cày Bắc) từng tạo nên dấu ấn độc đáo cho khởi nghiệp (KN) sáng tạo (ST) tại xứ Dừa. Mới đây, “Nón Bến Tre từ nguyên liệu giấy dừa" đã xuất hiện. Nét nghệ thuật độc đáo của chiếc nón ở yếu tố hoa văn và ánh sáng tự nhiên xuyên qua nón sẽ làm tăng nét đẹp lung linh ở gương mặt người phụ nữ. Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới, mang tính đổi mới ST và dựa trên sự kết hợp giữa chiếc nón lá truyền thống của người dân miền sông nước Tây Nam Bộ với sản phẩm giấy dừa nghệ thuật của Công ty TNHH Escoco Vietnam.

Sản phẩm tranh giấy dừa nghệ thuật của ông Huỳnh Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Escoco Vietnam (huyện Mỏ Cày Bắc) từng tạo nên dấu ấn độc đáo cho khởi nghiệp (KN) sáng tạo (ST) tại xứ Dừa. Mới đây, “Nón Bến Tre từ nguyên liệu giấy dừa" đã xuất hiện. Nét nghệ thuật độc đáo của chiếc nón ở yếu tố hoa văn và ánh sáng tự nhiên xuyên qua nón sẽ làm tăng nét đẹp lung linh ở gương mặt người phụ nữ. Đây là một ý tưởng hoàn toàn mới, mang tính đổi mới ST và dựa trên sự kết hợp giữa chiếc nón lá truyền thống của người dân miền sông nước Tây Nam Bộ với sản phẩm giấy dừa nghệ thuật của Công ty TNHH Escoco Vietnam.

Các em học sinh làm nón từ nguyên liệu giấy dừa.jpg 

Các em học sinh thực hiện công đoạn làm nón từ nguyên liệu giấy dừa. Ảnh: CTV

Tận dụng từ tranh giấy dừa

Tác giả của sản phẩm “Nón Bến Tre từ nguyên liệu giấy dừa" là em Trần Thị Thanh Thảo (lớp 6), cùng các em: Nguyễn Thị Phương Linh (lớp 8), Phạm Trần Kiều Vy (lớp 8), em Võ Quốc An (lớp 8), Mai Gia Hân (lớp 6), Trường Tiểu học - Trung học cơ sở (TH-THCS) Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam. 

Thanh Thảo kể chậm rãi: Trong một dịp tình cờ, chúng em được nghe cô giáo Ngô Song Đào nói tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, ý tưởng ST là vô hạn. Ý tưởng ST hữu ích sẽ tạo ra sản phẩm phục vụ cho con người. Cô nói về chú Huỳnh Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Escoco Vietnam. Câu chuyện về chú Cường đã ST tranh giấy dừa nghệ thuật từ nguyên liệu bẹ dừa xay nhuyễn rất ấn tượng và “truyền lửa" cho chúng em. Tuy nhiên, trong quá trình làm các đơn hàng, có những sản phẩm không đạt độ mỹ thuật cao về gam màu, hoa văn, hoặc cả bức tranh to có 1 lỗi nhỏ cũng phải loại bỏ đi. Khi phát hiện điều này, chúng em lên ý tưởng là phải tận dụng các tờ giấy lỗi để làm chiếc nón lá - một đồ dùng che nắng, che mưa rất thông dụng và đậm nét văn hóa truyền thống ở quê em. Từ đó, chúng em đã cùng nhau viết ra ý tưởng và tự tay thử nghiệm thành công chiếc nón hoàn toàn mới, với tên gọi “Nón Bến Tre từ nguyên liệu giấy dừa".

“Chúng em tận dụng các khung nón từ tre đã cũ kỹ và bị rách phần lá để tiến hành kỹ thuật dán giấy dừa lên khung nón. Tuy nhiên, để dán được giấy vào khung, chúng em sẽ kết thêm 4 cọng dừa từ đỉnh nón sao cho khoảng cách giữa 4 cây đều nhau, nhằm giúp cho nón cứng cáp hơn. Khi dán, sử dụng lượng keo nền vừa phải, vì thừa sẽ làm nhăn giấy. Sau đó, cắt hoa văn che mối ráp giấy, mỗi nón chọn loại hoa văn khác nhau như hoa văn hình lá dừa, nhánh hoa dừa, cánh hoa dừa, hoa sen… Khâu cuối cùng, cột quay nón bằng lụa Hà Đông...", Thanh Thảo chia sẻ.

Đối với nón có hoa văn là hoa sen, các em sẽ sử dụng quay bằng lụa vàng để phù hợp với tín ngưỡng đạo Phật. Hay nón có hoa văn cây, lá dừa sẽ được cột quay lụa màu, dùng cho quảng bá quê dừa Bến Tre, tham gia sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Người dùng có thể bao nón bằng bao nhựa mỏng (loại dùng để bao nón lá) để bảo quản nón đẹp, bền hơn hoặc để chống thấm ướt nón khi đội vào mùa mưa.

Ngoài ra, các em còn biết tận dụng tiếp phần giấy vụn trong quá trình làm nón để ST thêm sản phẩm khác, đó là làm ra những khung tranh 3D cỡ nhỏ, từ giấy dừa để trang trí trong không gian nhà ở, lớp học.

Khuyến khích sáng tạo, khởi nghiệp

Thanh Thảo bộc bạch thêm, sau này em sẽ cố gắng học cách làm giấy dừa để KN mà không cần quá phụ thuộc vào công ty làm giấy nữa. Việc nghiên cứu ST một mặt giúp chúng em ngày càng nhạy cảm với cuộc sống để phát triển thêm nhiều ý tưởng mới, cũng như việc hoàn thiện ý tưởng và triển khai khả thi các ý tưởng mới.

 Học sinh đội nón từ giấy dừa.jpg

Học sinh đội nón Bến Tre từ nguyên liệu giấy dừa. Ảnh: CTV

Mặt khác, các em muốn giúp các bạn, các em nhỏ Trường TH-THCS Phước Hiệp có những sản phẩm cụ thể từ nhà trường, hiểu được sự ST có ở mọi lứa tuổi. Từ sự ST sẽ làm ra được các sản phẩm hữu dụng, đó là khởi đầu của thành công. Sự ST ngoài việc làm ra sản phẩm hữu dụng mà còn thể hiện được tính độc đáo, tính đặc thù của vùng, miền thì con đường lập nghiệp, KN càng thêm thuận lợi, bảo đảm cho sự thành công.

Đồng thời, các em còn muốn tuyên truyền đến các bạn rằng, tài nguyên thiên nhiên là hữu hạn, phải tiết kiệm, không lãng phí và chính sự ST là con đường để tăng giá trị sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

Cô Ngô Song Đào - giáo viên Trường TH-THCS Phước Hiệp cho biết, được tiếp xúc với chương trình ST - KN, chị rất tâm đắc. Vì thế, trong từng bài giảng của mình, chị luôn khuyến khích tính ST của học sinh. Chị thường giới thiệu chuyên đề về ST - KN cho các em tiếp cận và tạo ra khá nhiều hoạt động trong học tập, nhằm giới thiệu, khơi gợi để các em có ý tưởng, mạnh dạn ST từ những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hàng ngày. Qua đó, giúp các em có động lực trong học tập, thấy được sự cần thiết của việc phấn đấu học tập tốt, không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, ST để làm hành trang cho con đường KN ST sau này. Sản phẩm “Nón Bến Tre từ nguyên liệu giấy dừa" cũng là một trong những kết quả bước đầu khá độc đáo của cô trò về chủ đề ST - KN trong trường học.

(Nguồn: Sưu tầm - Tác giả: Cẩm Trúc, Báo Đồng Khởi)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo