Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc - Nghề xưa trong phố mới

22/09/2022 1079 1
Những gì xưa cũ luôn tạo nên nhiều cảm xúc cho con người (du khách) qua tri giác và xúc giác, “quê xưa", “làng xưa", “người xưa", hay “nghề xưa" … là những thí dụ điển hình mà mỗi khi được nhắc đến làm cho người ta cảm thấy bồi hồi, nhung nhớ. Nhắc đến “xưa", đó là kỷ niệm, là gợi nhớ, là bảo tồn và gìn giữ những giá trị quý báu, chứ không phải phiến diện chỉ nói đến những cái cũ, lạc hậu và lỗi thời. Về thăm làng nghề bánh phồng Sơn Đốc để tìm hiểu “nghề xưa trong phố mới" để biết, để hiểu và cảm nhận về giá trị của nghề - một phần trong những giá trị dưới bóng dừa.

LANG NGHE BANH PHONG SON DOC - 2292022 (3).jpg 

Hình Đội bánh - Lò bánh ông Võ Trung Hiệp (ảnh: TTTTXTDL)

Từ làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh), đi theo hướng về Ba Tri tỉnh lộ 885 khoảng 20km sẽ đến làng nghề bánh phồng Sơn Đốc (xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm). Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc đã hơn trăm tuổi, và có lẽ cũng giống như cụ Dừa - hồn thiêng của xứ sở rừng dừa bạt ngàn, làng nghề cũng không biết rõ đã “có tự bao giờ?". Qua bao thăng trầm hình thành và phát triển, đến nay tiếng đã vang xa, nổi danh “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc". Năm 2006, Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre công nhận làng nghề truyền thống bánh phồng Sơn Đốc. Ngày 30/10/2018, “Nghề làm bánh phồng Sơn Đốc" được Bộ Văn hoá, Thể thao, và Du lịch công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Được tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố và đón nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ngày 23/3/2019.

Trong quá trình sản xuất, người làm nghề đã có sự sáng tạo, cải tiến không ngừng, và áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào nghề. Tại lò bánh ông Võ Trung Hiệp đã sử dụng máy nạo dừa, máy đập thay cho sức người hỗ trợ trong các công đoạn của quá trình làm bánh. Có thể nói đã bớt đi một phần công phu, dù vậy làm nghề và giữ nghề cũng không phải dễ dàng. Để giữ hồn cho bánh, giá trị lao động của những người thợ là điều không thể thiếu, đó là công lao động của người thợ dùng đôi bàn tay quết bột, là cán từng viển bột nhỏ thành những chiếc bánh tròn đều. Công việc làm bánh bắt đầu từ giữa khuya để cán bánh cho kịp phơi lúc trời sáng. Những chiếu bánh được phơi dưới ánh sáng mặt trời, khi bánh khô đủ nắng sẽ được lột ra, xếp đều vào túi đựng, cứ 100 bánh một túi, rồi cứ như vậy, những thiên bánh phồng được mang đi khắp cả nước.

LANG NGHE BANH PHONG SON DOC - 2292022 (1).jpg

Hình thợ cán bánh phồng thủ công - Lò bánh ông Võ Trung Hiệp (ảnh: TTTTXTDL)

Hiện nay, trên thị trường đã có thêm nhiều loại bánh phồng rất được ưa chuộng như: bánh phồng mì, bánh phồng chuối… Trong đa dạng các loại bánh phồng đó, bánh phồng nếp vẫn là chủ đạo, loại bánh phồng từ xưa. Bởi trong thứ bánh xưa ấy là nếp - hạt ngọc của trời, là dừa - linh hồn của xứ “Ba đảo dừa xanh", là sự tiếp nối của các thế hệ con cháu từ các bậc tiền nhân, và là gợi nhớ “nghề xưa trong phố mới" bởi theo sự phát triển của khoa học kỹ thuật, làng xưa dần trở thành phố mới, và nghề xưa nằm giữa lòng của phố mới. Và đối với mỗi người con Sơn Đốc, nhịp chày vẫn là một điều thiêng liêng, không chỉ là tiếng đồng hồ thay tiếng gà gọi sáng, mà ở đó là cả bầu trời ký ức của tuổi thơ, và trên hết nhịp chày là “nhịp đập", “nhịp sống" của nghề xưa ở làng nghề bánh phồng Sơn Đốc.

LANG NGHE BANH PHONG SON DOC - 2292022 (2).jpg

Hình chiếc bánh phồng nếp được thợ cán thủ công - Lò bánh ông Võ Trung Hiệp (ảnh: TTTTXTDL)

Giản dị và mộc mạc như nghề, chiếc bánh phồng chỉ cần nướng lên là dùng được. Nướng bánh công nghiệp bằng lò nướng hiện đại giúp nướng được với số lượng lớn. Bánh vàng đều màu. Tuy nhiên, người dân quê lại thấy và thích dùng bánh được nướng trên ngọn lửa than, đặc biệt là than vỏ dừa gáo dừa, là bánh ngon nhất. Các bà thường chẻ một đoạn sống lá dừa xòe ra như nan quạt để nướng bánh. Lúc nướng phải khéo léo, nhanh tay trở bánh để bánh vàng đều cả 2 mặt, cho chiếc bánh phồng được nóng chín và giòn đều. Nhắm chút trà, cắn một miếng bánh giòn giòn, chầm chậm thưởng thức vị béo của dừa, vị thơm nhẹ dịu của gạo nếp lẫn trong đó là vị của than bếp, vị tình cảm của bà…

Hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, nghề làm bánh phồng Sơn Đốc đã khẳng định được giá trị Di sản văn hoá như: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; Phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; Có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; Được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ. Đồng thời làm phong phú thêm văn hoá ẩm thực xứ Dừa. Bánh phồng Sơn Đốc - một phần trong phong vị xứ Dừa, luôn hiện hữu và không thể thiếu được trong những buổi chuyện trò của ông bà, cô chú, của trẻ con làng quê, và đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc cho đến mãi sau này./.​

Đoàn Tứ

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo