Giới thiệu tổng quan du lịch Bến Tre

04/11/2021 5855 1
​Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Diện tích tự nhiên là 2.394,82 km2, trong đó có 65km đường bờ biển, được hình thành bởi 3 cù lao: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hoá, do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành (gồm sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên). Dân số khoảng 1,3 triệu người, mật độ dân số trung bình 535 người/km2. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, rải rác những giồng cát xen kẽ với ruộng, vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông.

Bến Tre là một trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với biển Đông và các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Diện tích tự nhiên là  2.394,82 km2, trong đó có 65km đường bờ biển, được hình thành bởi 3 cù lao: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hoá, do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành (gồm sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên). Dân số khoảng 1,3 triệu người, mật độ dân số trung bình 535 người/km2. Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, rải rác những giồng cát xen kẽ với ruộng, vườn, không có rừng cây lớn, chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông.

​Với hệ thống kênh rạch chằng chịt, khoảng 6.000 km đan vào nhau chở nặng phù sa chảy khắp ba dải cù lao, tạo thành một lợi thế trong phát triển giao thông thuỷ, hệ thống thuỷ lợi thuận lợi phát triển kinh tế biển, kinh tế vườn, trao đổi hàng hoá với các tỉnh, thành lân cận. Hệ thống giao thông thuận lợi cả đường thủy lẫn đường bộ, đặc biệt sau khi cầu Rạch Miễu (Bến Tre - Tiền Giang), cầu Hàm Luông và cầu Cổ Chiên (Bến Tre - Trà Vinh) hoàn thành đưa vào sử dụng đã giúp Bến Tre phá bỏ thế cô lập, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho tiềm năng kinh tế - văn hoá - xã hội của tỉnh được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ, trong đó có hoạt động du lịch.

Không những phong phú về tài nguyên thiên nhiên, Bến Tre còn đa dạng cả về tài nguyên du lịch nhân văn. Các Lễ hội mang tính đặc trưng của tỉnh như: cúng Đình, Nghinh Ông Bình Thắng, Truyền thống văn hóa (01/7), Truyền thống cách mạng (17/01), Lễ hội Dừa, Ngày hội cây trái ngon, an toàn…; Các làng nghề, hộ sản xuất nghề truyền thống như: sản xuất kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa, làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng, dệt chiếu,…Các làn điệu dân ca mang đậm sắc thái vùng sông nước Nam Bộ: Ca nhạc tài tử, hát ru, hò trên sông, lý, hát sắc bùa, hát bội…

Bến Tre Xứ Dừa - quê hương Đồng Khởi còn có hệ thống di tích lịch sử văn hóa với nhiều chiến tích rất đáng tự hào. Nhắc đến Bến Tre, ai ai cũng đều biết đến quê hương Đồng Khởi đã một thời kháng chiến anh dũng, đặc biệt với đội quân tóc dài đã khắc ghi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc. Bên cạnh đó, Bến Tre là quê hương và là nơi yên nghỉ của nhiều danh nhân như: cụ Nguyễn Đình Chiểu, cụ Phan Văn Trị, cụ Phan Thanh Giản, cụ Võ Trường Toản, Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng, cụ Lê Quang Quan (Tán Kế), cụ Trương Vĩnh Ký, Trung tướng Đồng Văn Cống, nữ tướng Nguyễn Thị Định, Phó Chủ tịch HĐNN Huỳnh Tấn Phát… Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre hiện có 74 di tích được công nhận xếp hạng. Trong đó, có 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt (Mô và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu; Di tích Đồng Khởi Bến Tre), 16 cấp quốc gia và 56 di tích cấp tỉnh.

Ngoài ra, ẩm thực của Bến Tre cũng rất đa dạng và đặc sắc với nhiều món ăn mang đậm sắc thái của địa phương được chế biến từ dừa: cơm trái dừa, tép rang dừa, gỏi củ hủ dừa, nấm mối xào nước cốt dừa, ốc len xào dừa, bánh xèo ốc gạo...

Với tài nguyên du lịch tự nhiên và bề dày truyền thống văn hóa phong phú, thời gian qua, du lịch Bến Tre tập trung phát triển một số loại hình du lịch chủ yếu như:  du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn, tham quan di tích lịch sử - văn hóa, du lịch cộng đồng homestay kết hợp với tham quan các làng nghề truyền thống; du lịch biển kết hợp với tham quan, tìm hiểu hệ sinh thái rừng ngập mặn; du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí; du lịch nông nghiệp kết hợp với ứng dụng khoa học công nghệ cao,...

Về tuyến du lịch, hiện nay Bến Tre đang phát triển 05 tuyến du lịch chính: (1) Tuyến du lịch 8 xã ven sông huyện Châu Thành trải nghiệm loại hình du lịch sông nước miệt vườn, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa… (2) Tuyến du lịch các xã Nam thành phố Bến Tre tham quan vườn dừa, tham quan nghề làm gạch, dệt chiếu, chế biến dừa thủ công truyền thống, trải nghiệm các trò chơi dân gian… (3) Tuyến du lịch về nguồn Giồng Trôm - Ba Tri - Bình Đại kết hợp tham quan làng nghề... (4) Tuyến du lịch Mỏ Cày Bắc - Chợ Lách với loại hình tham quan, thưởng ngoạn vườn cây ăn trái, làng nghề sản xuất cây giống hoa kiểng,… (5) Tuyến du lịch về nguồn Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú kết hợp với các loại hình tham quan Chợ nổi dừa sông Thom, lò kẹo dừa, thủ công mỹ nghề từ gỗ dừa, trải nghiệm du lịch biển, rừng ngập mặn, thưởng thức hải sản tươi sống,...

Cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch phát triển về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho việc tổ chức các hội nghị, hội thảo cấp quốc tế.

Với lợi thế và tiềm năng sẵn có, thời gian qua du lịch Bến Tre đã có bước phát triển khởi sắc, nhiều khu, điểm du lịch mới được hình thành, nhiều cơ sở lưu trú, cơ sở ăn uống đưa vào hoạt động, nhiều điểm đến, điểm dừng chân với các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, tham quan vườn cây ăn trái, làng nghề, di tích lịch sử,… đang thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan trải nghiệm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh điểm đến đã quan tâm đầu tư, khai thác phát triển đáp ứng khá tốt nhu cầu tham quan, trải nghiệm của khách du lịch như: du lịch Cồn Phụng, Lan Vương 2, Phú An Khang, Làng Xanh, Làng Bè, Làng ẩm thực sinh thái Quê Dừa, Hạ Thảo, Rooster Mekong… Nhiều dự án đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch đang được đầu tư từng bước hoàn thành đưa vào khai thác hiệu quả, đáp ứng khá tốt các điều kiện phục vụ nhu cầu của du khách: Bến Tre Riverside Resort; Forever Green Resort; Mekong Resort; Cao ốc Liên hợp Hoàn Cầu…

Về lữ hành: hiện toàn tỉnh có 19 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành đã được Giấy phép. Trong đó có 08 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 11 doanh nghiệp lữ hành nội địa.

Về cơ sở lưu trú du lịch: toàn tỉnh hiện có 89 cơ sở lưu trú với trên 1.500 phòng có sức chứa khoảng 3.000 khách (trong đó có 01 khách sạn 4 sao với 81 phòng; 02 khách sạn 3 sao với 139 phòng; 02 khách sạn 2 sao với 52 phòng; 01 khách sạn 1 sao với 35 phòng và 72 cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch sức chứa khoảng 2.000 khách).

Về khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch: hiện có 39 khu, điểm du lịch, điểm đến tham quan du lịch, trong đó có 01 khu du lịch cấp tỉnh (Khu du lịch cấp tỉnh Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre), 01 điểm du lịch (Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm hồ).

Về cơ sở ăn uống: toàn tỉnh có trên 130 cơ sở ăn uống với khoảng 35.000 chỗ ngồi. Đến nay có 06 cơ sở ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Trong thời gian qua, du lịch Bến Tre có bước phát triển rõ rệt, đạt những kết quả quan trọng. Sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp từng bước được cải thiện. Bước đầu tạo dựng được thương hiệu du lịch sinh thái, sông nước Xứ Dừa. Du lịch phát triển đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ, tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Bến Tre.

(Nguồn Sở VHTTDL)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo