Cây dừa trong Du lịch Bến Tre

16/03/2023 1504 0
Bến Tre là tỉnh có diện tích dừa lớn nhất cả nước; sản phẩm dừa của tỉnh có mặt trên hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cây dừa còn là cây giữ kỷ lục cây trồng cho ra các sản phẩm nhất (hơn 200 sản phẩm) từ cây, thân, lá, hoa, trái, vỏ, gáo, vỏ lụa, cơm dừa , nước dừa…. Hiện nay, tổng diện tích dừa của tỉnh hơn 70.000 ha, chiếm trên 70% trong tổng diện tích cây lâu năm, trong đó dừa xiêm xanh uống nước trên 13.000 ha dừa của tỉnh.

Rừng dừa bên sông Hàm Luông (ảnh ST)

Tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 170 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa, với nhiều loại hình như: chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa, chiếm 28,37% tổng sổ doanh nghiệp có hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tổng số vốn đầu tư khoảng 4.840 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 9.100 lao động. Quy mô chuỗi giá trị dừa: có 28 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác với quy mô 5.649 ha và 6.226 thành viên (trong đó dừa uống nước có 12 THT/181 ha và 310 thành viên).

Chợ nổi dừa (ảnh ST)

Dừa khô chủ yếu được chế biến thành các sản phẩm như: cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa, sữa dừa, nước dừa đóng lon, thực phẩm, mỹ phẩm, than hoạt tính, chỉ xơ dừa, mụn dừa (đất sạch), hàng thủ công mỹ nghệ (quà lưu niệm, vật liệu trang trí các khu du lịch, resorts, đồ hàng gia dụng,...) xuất khẩu đi các nước; phần còn lại phục vụ cho việc tiêu dùng và xuất khâu dừa hột. Dừa uống nước (dừa xiêm xanh, dừa dứa…) đã và đang phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chổ cho khách du lịch đến tham quan Bến Tre và phân phối gần như hầu hết các tỉnh trong cả nước.

Là tỉnh có ưu thế về trồng và chế biến sản phẩm từ dừa nên Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố và các ban ngành tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm dừa, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị sản phẩm dừa; tuyên truyền, vận động người dân tiêu thụ sản phẩm dừa trong nước; phối hợp các ngành dịch vụ và du lịch khai thác cảnh quan, sông nước, ao mương trong vườn dừa và các lợi thế khác từ cây dừa.

Ban giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên chỉ đạo cho Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cùng các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các tuyến du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa trong cả ba vùng sinh thái nước ngọt, nước lợ và hệ sinh thái mặn ven biển gồm: tham quan vườn dừa hữu cơ (organic), các vườn dừa xen canh bưởi da xanh cũng như kết hộp nuôi tôm càng xanh trong mương vườn; trải nghiệm làng nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa và chế biến dừa. Đặc biệt là tuyến trãi nghiệm du lịch Chợ nổi dừa cùng làng nghề tiểu thủ công nghiệp chế biến dừa hai bên bờ sông Thom xã An Thạnh – huyện Mỏ cày Nam, nối liền  hai nhánh sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên của chín nhánh sông Cửu Long

Vận động các cơ sở lưu trú, nhất là loại hình dịch vụ homestay và các điểm đến trong các chương trình tham quan cùng sử dụng nguyên vật liệu từ dừa để trang trí cảnh quan, nội thất tại cơ sở thành những sản phẩm đặc trưng của Xứ Dừa nhằm tạo ấn tượng thu hút du khách về trãi nghiệm du lịch vùng xanh sông nước.

Chú trọng việc thiết kế các chương trình du lịch kết hợp với thưởng thức ẩm thực Xứ Dừa, với các món ăn chế biến từ dừa được bình chọn trong TOP 100 món ăn đặc sản nổi bật của 63 tỉnh/thành qua các năm như: cơm trong trái dừa - tép rang dừa, gỏi củ hủ dừa, cá bống kho nước dừa, củ hủ dừa xào tép nhảy, …; Xây dựng tour - tuyến trãi nghiệm lò kẹo dừa, làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơ Đốc và các cơ sở sản xuất thủ hàng công mỹ nghệ từ dừa. Năm 2022, tỉnh đã tổ chức thành công hoạt động phá kỷ lục Việt Nam và xác lập kỷ lục Thế giới 222 món ăn từ dừa nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu nam 2022.

Cơm và tép rang dừa (ảnh TTC)

  

Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa (ảnh ST)

Khuyến khích doanh nghiệp lữ hành phục vụ du khách khi tham quan du lịch Xứ Dừa mỗi khách được thưởng thức ít nhất 01 trái dừa xiêm xanh hay dừa dứa và đây được xem là một hình thức quảng bá cũng như xuất khẩu trái dừa tại chỗ. Quảng bá sản phẩm OCOP từ dừa trong các sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh …

Để công tác truyền thông, quảng bá trong việc chế biến và tiêu thụ dừa trái đạt hiệu quả trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất mong muốn sự phối hợp từ các sở, ngành và địa phương càng chặt chẻ và hiệu quả hơn. Tiếp tục cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, Ủy ban nhân dân các huyện - thành phố phối hợp vận động doanh nghiệp tham gia xây dựng thành công các mô hình Du lịch Nông nghiệp bền vững, kết hợp đưa sản phẩm OCOP từ dừa tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương đến với du khách khi đến du lịch tại Bến Tre cũng như tại các sự kiện hội chợ Du lịch - Thương mại trong và ngoài nước.

Thanh Võ

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo