Chợ Lách - Điểm Hẹn Lý Tưởng Năm Giáp Thìn 2024

05/01/2024 818 0
Huyện Chợ Lách nằm trên Cù lao Minh, cách trung tâm thành phố Bến Tre hơn 35 km, là vùng đất màu mỡ được bồi đắp bởi phù sa của hai con sông Cổ Chiên và Hàm Luông. Nhờ thiên nhiên ban tặng nguồn nước ngọt dồi dào quanh năm, hệ thống kênh rạch chằng chịt, khí hậu ôn hoà, nhiều cồn bãi, vùng đất trù phú này được ví như miền đất lành hội tụ đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hoà, được mệnh danh là “Vương quốc trái cây, cây giống và hoa kiểng”. Cùng với hệ thống di tích văn hoá - lịch sử, du lịch tâm linh, các lễ hội và làng nghề nơi đây, đã mang đến cho Chợ Lách những tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch bền vững.

Tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn

Chợ Lách với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu và thủy văn thích hợp cho việc sản xuất các hoạt động nông nghiệp, nổi bật phải kể đến là làng nghề sản xuất cây giống và hoa kiểng. Theo định hướng của tỉnh về việc phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, Chợ Lách đã và đang phát huy tiềm năng trong công tác xây dựng và triển khai các mô hình du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh.

Niềm vui trải nghiệm của Nguyễn Văn Dừa

(Tác phẩm đạt giải ảnh đẹp “Nụ cười Bến Tre” tháng 8 năm 2023)

Nổi bật trong số đó là Làng văn hoá du lịch Chợ Lách - mô hình làng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long - thuộc phạm vi là vòng kết nối 04 ấp: Đông Kinh (xã Vĩnh Hoà), Lân Đông (xã Phú Sơn), An Hòa (xã Long Thới), Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành) với tổng diện tích 1.490,88 ha đi qua Huyện lộ 34, 35, 37 và Quốc lộ 57. Làng văn hoá du lịch Chợ Lách được hình thành trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù; góp phần đưa Chợ Lách trở thành trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí mang tầm quốc gia.

Đẹp mê mẩn làng văn hoá du lịch Chợ Lách (sưu tầm)

Ngoài ra, Chợ Lách là một trong ba huyện đầu tiên được lựa chọn để xây dựng mô hình Hợp tác xã gắn với du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023 - 2025 theo Kế hoạch số 2858/KHPH-VHTTDL-KHĐT-NNPTNT-LMHTX ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Liên minh hợp tác xã tỉnh.

Du lịch sinh thái gắn với tham quan di tích lịch sử - văn hoá

Đi cùng thương hiệu du lịch “sinh thái sông nước Xứ Dừa”, Chợ Lách sở hữu nguồn tài nguyên du lịch được hình thành từ hai con sông lớn (Hàm Luông, Cổ Chiên) cùng nhiều nhánh sông nhỏ trên địa bàn, hình thành hệ thống kênh rạch chằng chịt. Trên cơ sở đó, loại hình du lịch sinh thái, du lịch homestay khá phát triển: Rooster Mekong, Nguyễn Gia… với đa dạng các dịch vụ từ nghỉ dưỡng, tham quan, vui chơi giải trí cho đến ẩm thực, các hoạt động về đêm... Bên cạnh đó, nơi đây còn hiện diện nhiều cồn như cồn Cái Gà, cồn Phú Đa, cồn Phú Bình... cung cấp trải nghiệm thưởng ngoạn bằng đường sông và thưởng thức đặc sản địa phương.

Tiềm năng của du lịch Chợ Lách sẽ phát triển hơn nữa khi kết hợp với các di tích lịch sử - văn hoá, tâm linh. Có thể kể đến như: di tích cấp tỉnh nhà bia Trương Vĩnh Ký, nhà thờ Cái Mơn cổ nhất xứ Nam Kỳ hay chùa Kim Long nổi tiếng linh thiêng thu hút nhiều tín đồ từ mọi miền về đây chiêm bái. Nhìn chung, các di tích lịch sử - văn hoá trên địa bàn huyện đã tạo nên những giá trị văn hoá đặc trưng cho Chợ Lách. Những giá trị này cần được bảo tồn và phát huy bằng cách khai thác các hoạt động du lịch kết hợp giữa du lịch tâm linh, văn hoá - lịch sử và du lịch sinh thái, nông nghiệp, nông thôn.

Định hướng phát triển du lịch nhanh và bền vững

Có hai thời điểm đẹp nhất du khách nên lựa chọn về Chợ Lách: một là những ngày gần Tết Nguyên Đán, làng hoa kiểng Chợ Lách đua nhau khoe sắc; hai là lễ hội cây trái ngon - an toàn mùng 05 tháng 5 âm lịch (Tết Đoan Ngọ).

Nhận thức vai trò quan trọng của du lịch trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, bám sát mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chợ Lách với đề án Làng văn hóa du lịch và mô hình Hợp tác xã gắn với du lịch cộng đồng, trong tương lai sẽ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư, quảng bá hình ảnh địa phương, văn hóa bản địa và con người Bến Tre.

Du khách trải nghiệm làng văn hoá du lịch Chợ Lách (ảnh: Nguyễn Văn Dừa)

Trong những năm gần đây, Chợ Lách đã và đang triển khai có hiệu quả việc nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn; thực hiện thường xuyên công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, công tác kêu gọi và huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch được chú trọng, bước đầu ứng dụng có hiệu quả chuyển đổi số đã tạo hiệu ứng lan tỏa rộng khắp hình ảnh, điểm đến du lịch trên địa bàn huyện.

Trong năm 2023, tổng lượng khách du lịch đến Chợ Lách ước đạt khoảng 36.000 lượt (trong đó có khoảng 600 lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 14,2 tỷ đồng tăng khoảng 19% so với cùng kỳ. Trong thời gian tới, Chợ Lách tập trung tiến hành các bước tiếp theo xây dựng Bộ nhận diện thương hiệu Làng văn hóa du lịch và một số nhiệm vụ trọng tâm khác như sau:

Thứ nhất, xây dựng các mô hình du lịch theo hướng khai thác những sản phẩm đặc thù, nhất là mô hình Hợp tác xã gắn với du lịch cộng đồng; đồng thời liên kết các tuyến điểm du lịch trong và ngoài địa bàn nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các loại hình dịch vụ du lịch về đêm. Tăng cường liên kết nông thôn - đô thị trong phát triển du lịch, kết nối với các trung tâm du lịch, trung tâm gửi khách. Cụ thể, phối hợp triển khai đạt kết quả thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025, Cụm liên kết hợp tác phát triển du lịch phía đông Đồng bằng sông Cửu Long...

Thứ hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn người dân địa phương làm du lịch, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn hóa và liên kết cộng đồng.

Thứ ba, tiếp tục nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, nước sạch, cầu tàu du lịch, hệ thống xử lý rác thải…); khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch tại địa phương, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.

Thứ tư, đẩy mạnh công nghệ 4.0 trong công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến du lịch, đa dạng hóa và đổi mới hình thức, nội dung truyền thông du lịch trên nền tảng công nghệ số thông qua các cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, bản tin, chuyên đề

Hi vọng trong thời gian tới, Chợ Lách sẽ xây dựng thành công Làng văn hóa du lịch cũng như các mô hình độc lạ, đưa huyện trở thành một điểm nhấn thu hút du khách, làm tiền đề cho sự phát triển du lịch nhanh và bền vững của Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung./.

Trúc Giang

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo