Phát triển du lịch nông nghiệp tại Bến Tre

02/08/2022 1354 0
Bến Tre có nhiều tiềm năng và nguồn lực để phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Những năm gần đây, kể từ khi có chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) quê hương Xứ Dừa đã và đang mở ra cơ hội thúc đẩy nông nghiệp nói chung và du lịch nói riêng phát triển, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nông nghiệp.

DU LICH NONG NGHIEP BEN TRE - 0282022 (2).jpg 

Du khách trải nghiệm làm nông dân nghề muối tại Bình Đại

Các chuyên gia du lịch đánh giá - Du lịch nông nghiệp được xem là “mỏ vàng" của tài nguyên du lịch ĐBSCL, nhưng đến nay loại hình này vẫn chưa phát huy hiệu quả bởi sự phát triển chưa đồng bộ, thiếu đầu tư bài bản. Do đó, việc tìm các giải pháp phù hợp là tiền đề quan trọng để hoạch định và thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp hiệu quả trong tương lai.

Các khó khăn hiện nay là việc ban hành chính sách, hạ tầng giao thông, cách thức xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp tại từng địa phương… Vấn đề vẫn là chính sách quản lý về đất đai, vay vốn ưu đãi, thuế…còn lúng túng, chưa có hoạch định và định hướng rõ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho loại hình du lịch nông nghiệp phát triển. Qua các mô hình du lịch nông nghiệp hiện có, chúng tôi nhận thấy du lịch nông nghiệp ở một số nơi có phát triển nhưng vẫn tự phát và còn hạn chế về cách thức vận hành, quản lý, liên kết… Chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp vì thế chưa phát huy hiệu quả.

DU LICH NONG NGHIEP BEN TRE - 0282022 (3).jpg

Du khách tham qua vườn lá sâm tại Bình Đại

Sau đại dịch COVID-19, xu hướng đi du lịch của du khách có sự thay đổi - Du lịch nhóm nhỏ gồm gia đình và bạn bè, du lịch kết hợp nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe và trải nghiệm gắn với thiên nhiên, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa là xu hướng chủ đạo. Sáu tháng đầu năm 2022, Bến Tre đã đón hơn 670.000 khách đạt 53% kế hoạch (khách nội địa  hơn 642.000); doanh thu đạt 821 tỉ đồng đạt 57% kế hoạch.

Nhận thức tầm quan trọng và những lợi thế của du lịch nông nghiệp, những năm qua, sản phẩm du lịch nông nghiệp được các huyện chú trọng đầu tư gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhiều sản phẩm du lịch nông nghiệp được hình thành, các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm du lịch và sản phẩm OCOP được tổ chức, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung tỉnh nhà. Để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp trong bối cảnh mới, chúng ta cần kết nối các điểm du lịch nông nghiệp có tính liên xã, liên huyện tạo chương trình tours, tuyến hấp dẫn, trãi nghiệm thực tế nhằm thu hút du khách tham quan.

Tận dụng lợi thế và triển khai hiệu quả, chúng ta cần tập trung vào 3 thế mạnh nổi trội của tỉnh trên 3 vùng sinh thái ngọt, lợ và mặn đó là cây trái, hoa kiểng, cây dừa và thủy hải sản. Chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp chính là quá trình tạo ra các mô hình để du khách trải nghiệm, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Việc xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp cần mang tính khác biệt của Xứ Dừa, hấp dẫn du khách. Cho nên, các tổ chức, cá nhân và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc và chú ý những việc sau:

Một là, cần tập trung vào chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp nổi trội của tỉnh gắn với trải nghiệm du lịch trong các khâu canh tác, nuôi trồng, chế biến cũng như trong tiêu thụ, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp (dừa, trái cây, hoa kiểng, tôm, cá, …).

Hai là, xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp là làm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch. Thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ hỗ trợ, lồng ghép giá trị bản địa (văn hóa, ẩm thực, trồng trọt, thu hoạch, chăn nuôi, đời sống hàng ngày của nông dân miền sông nước, đờn ca tài tử…) để nâng cao giá trị trải nghiệm du lịch nông nghiệp.

Ba là, trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp cần định hướng đầu tư, thu hút nguồn lực, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo phát triển đa dạng sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Bốn là, về hướng liên kết, cần phát huy vai trò dẫn dắt của các nông trại đã thành công, các công ty lữ hành tạo thị trường khách đến các điểm du lịch nông nghiệp thông qua các chương trình du lịch nông nghiệp

DU LICH NONG NGHIEP BEN TRE - 0282022 (1).jpg

Vườn nho tại Nhà cổ Huỳnh Phủ, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú

Ngoài ra, muốn phát triển du lịch nông nghiệp thì phải xác định chủ thể là người nông dân. Do đó, khi làm du lịch người nông dân cũng cần thay đổi tư duy và chính quyền địa phương cần có những giải pháp để trợ lực, giúp họ có những định hướng đúng về du lịch nông nghiệp gắn với thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Phải quan tâm và xây dựng những kế hoạch trung và dài hạn hơn về phát triển du lịch nông nghiệp, trong đó chú ý đến vấn đề về xây dựng sản phẩm có giá trị cao và bền vững. Cần kêu gọi và phát huy vai trò của kinh tế tư nhân, đầu tư vào du lịch nông nghiệp phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chú trọng tính chuyên nghiệp của nguồn nhân lực du lịch, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm đổi mới phương thức quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường, phát triển du lịch bền vững./.

Minh Chương

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo