Gắn kết Du lịch - Văn hóa, Văn hóa - Du lịch

02/07/2021 13391 0
Du lịch văn hóa và văn hóa trong du lịch không chỉ tạo nên sức hút cho mỗi điểm đến mà còn giúp cho văn hóa địa phương đến gần hơn với bạn bè các dân tộc trong cả nước và cả năm Châu.

Bến Tre là vùng sông nước, được bao phủ bởi 4 nhánh hạ lưu của dòng sông MêKông tạo thành 3 dải cù lao (cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa). Là tỉnh nằm chung trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy nhiên Bến Tre vẫn có nét riêng của mình về văn hóa miệt vườn của quê hương Xứ Dừa mà nơi khác không có. Để phát triển ngành Du lịch nói chung, không một địa phương nào, hay quốc gia nào không coi trọng du lịch văn hóa, bởi đây là loại hình du lịch tiêu biểu và có nhiều thuận lợi, không phụ thuộc vào thời gian hay thời tiết,... Du lịch văn hóa và văn hóa trong du lịch không chỉ tạo nên sức hút cho mỗi điểm đến mà còn giúp cho văn hóa địa phương đến gần hơn với bạn bè các dân tộc trong cả nước và cả năm Châu.

 

Du lịch sinh thái sông nước Xứ Dừa Bến Tre được thiên nhiên ban tặng một tài nguyên du lịch dồi dào và phong phú, đầy tiềm năng; bên cạnh du lịch vui chơi giải trí, du lịch về nguồn, du lịch trải nghiệm trong rừng dừa, trải nghiệm rừng ngập mặn, du lịch biển, du lịch cộng đồng homestay,.... thì du lịch nghiên cứu văn hóa ngày càng thu hút du khách; đặc biệt là khách nước ngoài. Đối với du khách có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán người dân bản địa của nơi đến, thì du lịch văn hóa chính là "chìa khóa" để họ mở ra cánh cửa đó. Du lịch văn hóa là một thế mạnh, dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam mà Chính phủ đã xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Quang cảnh Tòa thánh Châu Minh thuộc phái Tiên Thiên của Cao Đài Việt Nam - Điểm đến du lịch tâm linh hyện Châu Thành - Bến Tre (ảnh XTDL)

Về di sản văn hóa Bến Tre tuy ít lễ hội, những di tích "ít ỏi" nhưng mang đậm nét đặc trưng riêng và cũng có thể tạo được sự chú ý đối với những nhóm du khách tham quan, nghiên cứu, học tập,... hoặc đối với nhóm phân khúc khách du lịch khác vẫn có thể tìm hiểu thêm văn hóa bản địa trong chuyến hành trình của mình.

Bến Tre hiện có 44 di tích lịch sử văn hóa, lịch sử cách mạng cấp tỉnh; 17 di tích cấp Quốc gia, trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt là di tích Đồng Khởi - xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam và Di tích Mộ và khu tưởng niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu - xã An Đức, huyện Ba Tri. Các Di tích, các công trình kiến trúc văn hóa đều gắn với những danh nhân trong lịch sử như Võ Trường Toản, Trương Vĩnh Ký, Phan Văn Trị, Phan Thanh Giản, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Lãnh Quan Quang (Tán Kế), Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng,... và nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật văn hóa như Đình, Chùa, Miếu, ... Những thắng cảnh ấy cũng được du khách quan tâm và các hãng lữ hành cũng đưa vào tour tham quan cho du khách tập phương ngày càng đông. 


Những mâm xôi, bánh, hoa, quả được bày cúng nhân ngày giỗ cụ Phan Văn Trị (ảnh XTDL)

Không thể bỏ đi những ngày Hội mang nét văn hóa nhân văn của quê hương đã thu hút được nhiều du khách đến tham dự. Đó là những ngày hội truyền thống của người dân Xứ Dừa như: Lễ hội Nghinh Ông xã Bình Thắng huyện Bình Đại (tháng 6 hàng năm) và xã Thạnh Hải huyện Thạnh Phú (tháng giêng hàng năm) giành cho những ngư dân vùng biển để cầu cho có mùa bội thu trong những chuyến đánh bắt ngoài khơi; Ngày hội truyền thống Văn hóa Bến Tre 01/7 đến 03/7 hàng năm, đây là ngày sinh và ngày mất của Cụ Đồ Chiểu (Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước, một thầy thuốc của nhân dân, một nhà giáo của thế hệ ngày nay); Ngày hội truyền thống Đồng Khởi 17/01/1960, hàng năm lấy ngày 17/01 làm ngày hội nhằm ôn lại những truyền thống anh dũng của người dân Bến Tre trong công cuộc giải phóng dân tộc; Ngày hội trái cây ngon an toàn (mùng 5 đoan ngọ) hàng năm nhằm tôn vinh những nghệ nhân, những nông dân đã sản xuất nhiều loại cây giống và cho ra những sản phẩm dịu ngọt của vùng Vương quốc trái cây Cái Mơn - Chợ Lách; ngoài ra còn nhiều lễ hội mang nét văn hóa vùng đồng bằng miền Tây Nam Bộ như những kỳ cúng Đình Chùa,...

Các làng nghề truyền thống của địa phương có hàng trăm năm tuổi như làng nghề rượu Phú Lễ (xã Phú Lễ, huyện Ba Tri), làng Nghề đan đát (xã Phước Tuy, huyện Ba Tri), làng nghề hoa kiểng - cây giống (Cái Mơn - Chợ Lách), làng nghề kẹo dừa (TP. Bến Tre và Mỏ Cày), làng nghề bó chổi (xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú), làng nghề dệt chiếu (xã An Hiệp, huyện Châu Thành), làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng bánh phồng Sơn Đốc (huyện Giồng Trôm) hay nghề làm bánh dừa (xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú).... Tất cả các làng nghề ấy đã thể hiện lên nét văn hóa đặc trưng của Bến Tre trong những thế kỷ qua mà ông cha đã truyền và gìn giữ đến ngày nay. Những sản phẩm ấy cũng là món quà hành trình giành cho khách tham quan, trải nghiệm khi đến Bến Tre. 

Những điểm đến phong phú đa dạng như thế của Du lịch - Văn hóa thì không chỉ dừng lại ở "cưỡi ngựa xem hoa" mà cần phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ là hết sức quan trọng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Theo đó, cần tập trung vào sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa, địa danh lịch sử, làng nghề truyền thống; tập trung những thế mạnh của các địa phương trong việc xây dựng thương hiệu du lịch "Sinh thái sông nước Xứ Dừa". Do vậy! việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay là xu thướng phát triển mạnh của Bến Tre trong thời gian tới nhằm đưa văn hóa trong cuộc sống người dân đến với du lịch, với du khách thập phương. Du khách sẽ được tiếp cận và tìm hiểu văn hóa bản địa của người dân địa phương; tham gia làm rẫy, làm vườn, bắt cá, trồng rau,... tham dự các ngày cúng miếu, cúng đình; vui chơi các trò chơi dân gian của miệt vườn được tái hiện tại những điểm tham quan,...

Hiện các sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn đơn điệu; tính chuyên nghiệp chưa cao; đội ngũ quản lý, thuyết minh viên tại các điểm đến còn thiếu và nhiều bất cập… thiếu các dịch vụ hỗ trợ để tăng mức chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; nhân viên phục vụ các dịch vụ chưa thể hiện những hình thức văn hóa địa phương như đồng phục những chiếc áo bà ba, khăn rằn quấn cổ trong những lúc phục vụ chèo xuồng hay hát ca tài tử; chưa thể hiện nét người phụ nữ xứ dừa Đồng Khởi như hình ảnh người chiến sĩ của đội quân tóc dài đã vang danh khắp nơi, chưa thể hiện nét văn hóa đặc trưng của quê hương để in sâu vào lòng du khách.... Nói đến văn hóa - du lịch thì việc giữ gìn văn hóa bản địa, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn môi trường tốt trong du lịch thích hợp với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay cũng là vấn đề cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, của người làm du lịch và của du khách khi đến với quê hương Bến Tre. Những hạn chế sẽ dần khắc phục nhằm tạo sức hấp dẫn của du lịch Xứ Dừa trong mắt du khách; bởi đó là những sản phẩm của trong các thiết chế văn hóa tạo lợi thế so sánh cái đặc thù của quê hương mà không phải địa phương nào cũng có được. 


Những ngư dân và du khách theo tàu cá tham gia ngày Hội Nghinh Ông tại cửa biển xã Bình Thắng - huyện Bình Đại (ảnh MT)

Thực hiện tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính Trị về việc đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đến năm 2020, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cũng như mỗi người dân chung sức chung lòng, đồng thuận cùng bắt tay tham gia vào du lịch chứ không riêng những người làm du lịch. Bến Tre hiện đang phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng (homestay) nhằm đám ứng nhu cầu của du khách hiện nay trong việc tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa bản địa của nơi họ muốn đến mà Bến Tre là nơi đầy tiềm năng phát triển. Việc kết hợp hài hòa giữa du lịch văn hóa và văn hóa du lịch cần được quan tâm, nhìn nhận đúng mức, những người làm du lịch và cả cộng đồng xã hội nói chung; đặc biệt là những nhà quản lý về du lịch cùng các ngành khác liên quan cần có nhận thức được tầm quan trọng của du lịch văn hóa trong chiến lược phát triển du lịch bền vững thì chúng ta mới khai thác được hết tiềm năng của loại hình du lịch đặc biệt này.

Loại hình du lịch văn hóa và thể hiện nét văn hóa trong du lịch là sự kích thích niềm tự hào của quê hương trong mỗi người dân, mỗi du khách; làm tăng sự tôn trọng và hiểu biết về văn hóa xưa và nay, thúc đẩy việc học tập và tìm hiểu. Do vậy, việc gắn kết giữa văn hóa với du lịch, du lịch với văn hóa được xem là nền tảng thúc đẩy du lịch phát triển bền vững. Phát triển du lịch văn hóa cần trở thành nguồn lực và điều kiện thuận lợi cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương./.

Lê Luông

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo