Bến Tre phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

04/06/2025 182 0
Những năm gần đây, bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống thì du lịch nông nghiệp, nông thôn đang trở thành một xu hướng mới. Tại Bến Tre, xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: xây dựng nông thôn mới đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của du lịch nông thôn bằng cách hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống… ngược lại, du lịch nông thôn cũng đóng góp vào việc nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới thông qua tạo thu nhập và sinh kế cho người dân, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng vùng miền.

Sau 02 năm tổ chức thực hiện Kế hoạch số 3446/KH-UBND ngày 12/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 (gọi tắt là Kế hoạch 3446), đến nay các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu và yêu cầu đề ra.

Du khách tham quan làng hoa kiểng Chợ Lách (ảnh: Trúc Giang)

Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, tỉnh đã tập trung cải tạo, xây dựng và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các khu, điểm đến du lịch nông thôn. Tại thành phố Bến Tre, các tuyến đường trên các xã Phú Nhuận, Nhơn Thạnh, Mỹ Thạnh An đều được đầu tư mở rộng; cầu Nhà Việc, cầu Rạch Vong, cầu Miễu Cái Đôi,… được xây mới. Tại huyện Ba Tri, bờ kè khu vực cồn Ngoài (xã Bảo Thuận) đến nay đã thực hiện được 3,2 km. Huyện Châu Thành xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch các xã ven sông Tiền (giai đoạn 2); thực hiện quy hoạch định hướng mời gọi đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cồn Tân Mỹ (xã Phú Túc) và khu du lịch nghỉ dưỡng Cồn Qui (xã Tân Thạch); … 

Ngoài ra, các điểm đến đều tăng cường cây xanh, bố trí hệ thống thu gom, phân loại rác thải phù hợp và các bảng chỉ dẫn, nội quy quy định tham quan; đồng thời khai thác các sản phẩm OCOP phục vụ du khách. Hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước được chú trọng, thường xuyên khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch nhằm kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong doanh nghiệp.

Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng thế mạnh của địa phương

Toàn tỉnh hiện có 66 điểm đến, trong đó có 03 điểm du lịch (Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ, Điểm du lịch Cồn Ngoài, Điểm du lịch Lan Vương); 01 khu du lịch cấp tỉnh (Di tích Đường Hồ Chí Minh trên biển tại Bến Tre); 87 cơ sở lưu trú và 07 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch đạt chuẩn. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn được hình thành, hoàn thiện và hoạt động hiệu quả như: du lịch cộng đồng 3 xã phía Nam thành phố Bến Tre, du lịch cộng đồng Tam Hiệp (Bình Đại), du lịch cộng đồng xã Thạnh Phú Đông (Giồng Trôm), du lịch cộng đồng Tân Phú (Châu Thành), …

Du lịch cộng đồng Tam Hiệp, Bình Đại (ảnh: Trúc Giang)

Thực hiện kế hoạch Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), toàn tỉnh hiện có 05 sản phẩm OCOP du lịch đạt chuẩn sao: 01 sản phẩm OCOP du lịch 4 sao (Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ) và 04 sản phẩm OCOP du lịch 3 sao (Forever Green Resort, La Villa De Coco, du lịch cộng đồng Cồn Bửng và Homestay Nhà Ngoại).

Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn

Thời gian qua, các địa phương nói chung và các đơn vị kinh doanh lữ hành nói riêng đã chủ động nghiên cứu xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn như du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch xanh… Hình thành và phát triển các chương trình du lịch kết hợp bảo vệ môi trường, thông qua hoạt động thu gom rác, trồng cây ven sông, trồng rừng phòng hộ; mô hình du lịch có phát thải thấp theo hướng bền vững, tái tạo tài nguyên bản địa (Net Zero Tours). Đặc biệt, Net Zero Tours Bến Tre xuất sắc đạt Giải thưởng Quốc tế Kotler Awards 2024, mở ra cơ hội kết nối và góp phần thúc đẩy quảng bá hình ảnh du lịch Xứ Dừa.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát Net Zero Tours Bến Tre (ảnh: Trúc Giang)

Bên cạnh đó, huyện Bình Đại triển khai thực hiện hiệu quả dự án phát triển bền vững cộng đồng ven biển dựa trên du lịch sinh thái và áp dụng triết lý kinh tế vừa đủ. Châu Thành xây dựng thí điểm mô hình phát triển du lịch cộng đồng Tân Phú gắn với hợp tác xã nông nghiệp. Chợ Lách tập trung xây dựng Làng Văn hóa Du lịch và một số điểm du lịch sinh thái, làng nghề. Thạnh Phú xây dựng mô hình du lịch sinh thái rừng phòng hộ tại xã Thạnh Phong, sản phẩm “Du lịch cộng đồng Cồn Bửng” tại xã Thạnh Hải, mô hình du lịch cộng đồng xã Thới Thạnh, … 

Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng

Trong 02 năm 2023 - 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức thành công 19 lớp đào tạo nguồn nhân lực du lịch với hơn 900 học viên. Các huyện, thành phố cũng chủ động phối hợp các cơ sở đào tạo, chuyên gia, dự án phi chính phủ (Dự án USAID IPSC) tổ chức các lớp tập huấn, chương trình nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã và các hộ dân làm du lịch trên địa bàn. Từ đó, chất lượng nguồn nhân lực du lịch nói chung và nguồn nhân lực du lịch nông thôn nói riêng ngày càng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Lớp tập huấn du lịch nông nghiệp, nông thôn (ảnh: Trúc Giang)

Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hằng năm đều tăng cường hoạt động quảng bá hình ảnh, sản phẩm du lịch đến du khách trong và ngoài nước thông qua việc tham gia các chương trình xúc tiến du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long; Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành tổ chức. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hãng lữ hành, báo chí tiếp cận thông tin; liên kết phát triển tua (tour), tuyến; huy động, mời gọi đầu tư thông qua việc tổ chức, đón tiếp các đoàn khảo sát (farmtrip) quảng bá điểm đến; xây dựng, kết nối chương trình tuyến - điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.

Gian hàng du lịch Bến Tre tại Ngày hội Du lịch TP.HCM năm 2024 (ảnh: TTXTDL)

Công tác truyền thông trên Cổng thông tin điện tử du lịch, Ứng dụng du lịch thông minh và các trang mạng xã hội cũng được quan tâm đẩy mạnh. Các bảng panô quảng bá ngoài trời được đầu tư xây dựng, làm mới. Trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân các huyện Ba Tri, Châu Thành, Chợ Lách và Thạnh Phú đã lắp đặt 52 bảng chỉ dẫn đến các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn.

Được biết, kế hoạch số 3446/KH-UBND ngày 12/6/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023 - 2025 nhằm phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; kết hợp gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và nâng cao thu nhập, đời sống của người nông dân. Qua đó, góp phần đưa ngành công nghiệp không khói của tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.

Trúc Giang - Kiều Duyên

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo