Bến Tre: Bảo Tồn Các Giá Trị Văn Hoá Làng Nghề Qua Hoạt Động Du Lịch

25/04/2025 660 0
Với sự hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, nhiều điểm du lịch vui chơi, nghỉ ngơi, giải trí ra mắt thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, du lịch làng nghề truyền thống vẫn có một chỗ đứng vững chắc và quan trọng, thể hiện sự đặc trưng riêng biệt của sản phẩm văn hoá truyền tải đến du khách. Thời gian qua, Bến Tre khai thác tốt các loại hình du lịch từ những tiềm năng hiện có như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch nông nghiệp, ...Trong đó, du lịch làng nghề vẫn được nhiều du khách lựa chọn để tìm hiểu giá trị truyền thống và kết hợp tham quan, mua sắm.

Đánh thức tiềm năng du lịch từ các làng nghề truyền thống

Du lịch làng nghề là loại hình nhằm giới thiệu, bảo tồn, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Ở mỗi làng nghề, du lịch là sự kết hợp tìm hiểu văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người dân về các sản phẩm tâm huyết mà mình tạo ra, lan toả đến du khách về những câu chuyện, điểm đặc biệt xoay quanh sản phẩm. Ngoài ra, làng nghề truyền thống góp phần giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người lao động.

Nghề đan đát Phú Lễ (Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu – Giải III Cuộc thi ảnh đẹp Du lịch Online năm 2021)

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh Bến Tre hiện có 56 làng nghề đã được công nhận theo quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong đó, có 17 làng nghề tiểu thủ công nghiệp và 39 làng nghề nông nghiệp (tính đến tháng 12/2024). Làng nghề ở Bến Tre được nhiều du khách biết đến như: Làng nghề truyền thống bánh phồng Sơn Đốc, xã Hưng Nhượng; Làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, xã Mỹ Thạnh (huyện Giồng Trôm); Làng nghề Hoa kiểng - cây giống (huyện Chợ Lách), …

Chỉ riêng làng nghề truyền thống bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, mỗi năm các nghệ nhân làm ra hàng triệu chiếc bánh các loại để phục vụ người dân, du khách. Làng nghề đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào cuối năm 2018.

Huyện Chợ Lách có tới 31 làng nghề truyền thống sản xuất cây giống, hoa kiểng, đa phần người dân của huyện đều tham gia sản xuất. Mỗi năm, nơi đây cung cấp cho thị trường hơn 17 triệu cây giống và 12 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại. Tại xã Vĩnh Thành có 12/12 ấp được công nhận làng nghề, mỗi năm cư dân nơi đây đã cung cấp cho thị trường hơn 3 triệu sản phẩm cây giống, hoa kiểng. Chính vì thế, tỉnh Bến Tre đã đầu tư, xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch Chợ Lách, bước đầu được thực hiện ở 4 ấp: Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa), Lân Đông (xã Phú Sơn) và An Hòa (xã Long Thới), xây dựng hạ tầng giao thông, cảnh quan cho Làng văn hóa du lịch Chợ Lách nhằm tạo điểm nhấn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Từ đó, hướng đến làng nghề cây giống, hoa kiểng tại đây từng bước được gìn giữ, phát huy tốt các giá trị từ thế hệ này đến thế hệ khác.

Du Lịch Trải Nghiệm Vườn Hoa Cúc Mân Xôi Chợ Lách (Ảnh: Nguyễn Văn Dừa)

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các làng nghề khác thu hút du khách như: Làng nghề truyền thống đan đát Phước Tuy (Huyện Ba Tri), Làng nghề truyền thống dệt chiếu Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre), Làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chỉ sơ dừa An Thạnh (huyện Mỏ Cày Nam),…. Du lịch làng nghề không chỉ đơn giản là đến xem các nghệ nhân làm ra sản phẩm, hay đến mua sắm, tham quan mà khách du lịch còn mong muốn được tìm hiểu, trải nghiệm làm ra sản phẩm và khám phá những giá trị văn hoá truyền thống qua bao thế hệ.

Khai thác giá trị truyền thống của các làng nghề vào hoạt động du lịch

Với mong muốn trao đổi, vận dụng những kinh nghiệm vào việc xây dựng mô hình du lịch mới phù hợp với thực tế địa phương, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre thường xuyên tổ chức các cuộc khảo sát học tập kinh nghiệm như: mô hình du lịch cộng đồng tại Làng rau Trà Quế (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam), mô hình Chợ phiên (thành phố Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp), …Từ đó áp dụng các thế mạnh về văn hoá bản địa, đó là khách du lịch “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với những người dân tại làng nghề truyền thống. Việc để du khách cùng hòa vào cuộc sống của người dân bản địa sẽ tạo sự hứng thú khi chính họ tự trải nghiệm làm ra sản phẩm dưới sự hướng dẫn của người dân và nghệ nhân lâu năm, giàu kinh nghiệm.

Nghề truyền thống (Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu – Giải KK Cuộc thi ảnh đẹp Du lịch Online năm 2021)

Các đơn vị lữ hành tại Bến Tre hiện đang xây dựng, khai thác các tour, tuyến du lịch kết nối với làng nghề nhằm phục vụ đa dạng đối tượng khách du lịch, vừa làm hài lòng du khách, vừa mang lại sự mới mẻ, sức hấp dẫn cũng như hiệu quả kinh tế cho các làng nghề.

Bến Tre là vùng đất giàu tiềm năng, đa dạng sản phẩm mang bản sắc văn hóa địa phương. Chính vì thế, để phát triển du lịch làng nghề, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành để thực hiện khâu tổ chức tiếp thị, hướng dẫn, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch làng nghề trong hiện tại và tương lai. Đồng thời, người dân làng nghề cần được nâng cao nhận thức đúng và đủ về du lịch làng nghề sẽ tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, tự hào về truyền thống của địa phương. Trong tương lai không xa, với sự nỗ lực của chính quyền và người dân các làng nghề, hy vọng du lịch ở Bến Tre sẽ phát triển bền vững, lan toả thương hiệu “Du lịch sinh thái sông nước Xứ dừa” đến du khách trong và ngoài nước./.

Bảo Trâm

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo