Dưới chế độ thực dân Pháp (1867-1945)

29/07/2022 6221 0
Ngày 18-2-1859, quân xâm lược Pháp nổ súng đánh vào thành Gia Định. Sự ươn hèn của quan quân triều đình tạo thêm điều kiện cho bọn cướp nước chiếm thành rồi chiếm đất dễ dàng. Đất nước thực sự bị đặt trong tình trạng chiến tranh, nhất là sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ. Chẳng bao lâu, giặc Pháp đánh chiếm rộng ra các tỉnh lân cận.

Ngày 18-2-1859, quân xâm lược Pháp nổ súng đánh vào thành Gia Định. Sự ươn hèn của quan quân triều đình tạo thêm điều kiện cho bọn cướp nước chiếm thành rồi chiếm đất dễ dàng. Đất nước thực sự bị đặt trong tình trạng chiến tranh, nhất là sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ. Chẳng bao lâu, giặc Pháp đánh chiếm rộng ra các tỉnh lân cận. Thành Định Tường bị chiếm ngày 12-4-1861, Biên Hòa ngày 18-12-1861, tiếp đó thành Vĩnh Long rơi vào tay giặc ngày 23-12-1862.

Phản ứng lại hành động của quân cướp nước, đồng bào ta đã nhất tề đứng dậy chiến đấu chống lại chúng với tất cả những gì mà họ có được. Hầu như các tầng lớp xã hội đều có mặt và đã đóng góp hết sức mình, từ người Việt đến người Minh Hương. Truyền thống yêu nước của đồng bào ta hun đúc từ hàng thế kỷ trong quá trình lịch sử, nay được bộc lộ với tất cả những nét đẹp và hào hùng nhất. Nhiều người yêu nước ở các tỉnh miền Đông không chịu sống trong vùng do giặc kiểm soát, đã bỏ ruộng vườn, cơ nghiệp để đi đến vùng đất còn thuộc quyền kiểm soát của triều đình ở phía Bắc như Bình Thuận, hoặc về các tỉnh miền Tây Nam Kỳ.

Vùng đất Bến Tre, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Vĩnh Long (được Pháp trả lại cho triều đình Huế theo hiệp ước 1862) đã trở thành nơi tiếp nhận những luồng người "tị địa”. Cụ Nguyễn Đình Chiểu cùng gia đình từ quê vợ Cần Giuộc đi thuyền về cư trú ở Ba Tri là một ví dụ. Việc các học trò của cụ Võ Trường Toản, trong đó có Phan Thanh Giản, Nguyễn Thông... tổ chức di dời hài cốt của thầy từ Hòa Hưng (Sài Gòn) về Bảo Thạnh (huyện Ba Tri) với ý tưởng không để thầy “nằm trên đất địch chiếm đóng” cũng phản ánh quan điểm sĩ phu Nam Kỳ lúc bấy giờ.

Cuộc chiến tranh xâm lược đã gây nên những xáo trộn nghiêm trọng trong đời sống cộng đồng cư dân ở đây, đặc biệt từ năm 1867, khi ba tỉnh miền Tây rơi nốt vào tay giặc. Theo số liệu thống kê của thực dân vào thời kỳ đầu của cuộc xâm lược Pháp ở Nam Kỳ (1859) tỉnh Bến Tre có 110.000 dân (1). Đến năm 1869, nghĩa là sau 10 năm - thời kỳ diễn ra cuộc “tị địa” về các tỉnh miền Tây, vùng đất còn tự do – dân số Bến Tre tăng lên 156.000 người (2), tức gấp rưỡi, trung bình mỗi năm tăng 4.700 người. Điều này chỉ có thể giải thích được là ngoài số dân tăng tự nhiên, còn có khá đông người “tị địa” từ nơi khác đến Bến Tre.

Thế nhưng, đến khoảng thời gian 10 năm tiếp theo (1869 – 1879), dân số Bến Tre chỉ tăng lên đến 163.000 người, nghĩa là số tăng (6.300 người) chỉ bằng một năm rưỡi của mười năm trước đó. Vấn đề đặt ra là phải chăng số tử suất tăng nhiều do chiến tranh, nên tốc độ phát triển dân số chậm lại? Tất nhiên số người chết trong chiến tranh bao giờ cũng cao hơn thời bình, nhưng sẽ không đúng khi vận dụng để giải thích trong trường hợp cụ thể của tỉnh nhà trong những năm 1869 – 1879. Như ta biết, đây là những năm đầu Bến Tre bị giặc chiếm. Vùng đất “tị địa” của những sĩ phu và đồng bào yêu nước của các tỉnh miền Đông trong thời kỳ trước 1867 giờ đây cũng chịu chung số phận đau thương: “Lòng giận ngàn thu đất nổi dày" (3).

Với truyền thống bất khuất, nhân dân Bến Tre đã đứng lên cầm vũ khí trực tiếp chống giặc. Tiếp nối những gương hy sinh anh dũng thuộc thế hệ chống Pháp đầu tiên trên đất Bến Tre như Trương Tấn Chí (trận Hưng Điểm), Phan Tòng (trận Giồng Gạch), nhiều cuộc nổi dậy của nghĩa quân liên tiếp nổ ra. Đó là cuộc khởi nghĩa do hai anh em Phan Tôn, Phan Liêm lãnh đạo ở Ba Tri, cuộc khởi nghĩa ở vùng Ba Châu do Tán Kế lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa ở Mỏ Cày do Nhiêu Đẩu, Nhiêu Gương tổ chức. Nhiều nơi ở trong tỉnh, nhân dân đã tỏ thái độ bất hợp tác với giặc. Họ hy sinh tài sản, tổ chức làm "vườn không nhà trống", đốt chợ, đào đường, phá cầu để ngăn bước tiến của giặc. Nhân dân cả làng Quới Điền, tổng Minh Phú và làng An Thới, tổng Minh Huệ đã bỏ quê kéo nhau đi nơi khác sinh sống (4).

Tình hình diễn ra trên đây cho phép ta đi đến kết luận về hiện tượng tăng dân số chậm của 10 năm qua (1869 – 1879) là do tử suất tăng vì chiến tranh, nhưng phần chính là do một bộ phận nhân dân đã tự động bỏ quê đi nơi khác, hoặc lẩn tránh ngoài vòng kiểm soát của chính quyền thực dân. Trong chiến tranh, số người chết do đánh nhau thường là nam giới, kể cả đối tượng bị bọn thống trị truy nã buộc phải bỏ xứ tránh đi nơi khác cũng phần lớn là nam giới. Điều này đã làm thay đổi cơ cấu dân số, tỷ lệ giữa nam và nữ, tháp tuổi, và tất nhiên hiện tượng này có ảnh hưởng nhất định đến tốc độ phát triển kinh tế và đời sống xã hội trong nhiều năm sau đó.

Ngày 15-10-1888, chính quyền thuộc địa ra nghị định đánh thuế ruộng và thuế thân theo chính sách mới ở Nam Kỳ. Chúng bãi bỏ cách đánh thuế thân theo lối phân bố cho từng làng của nhà Nguyễn trước đó, bắt buộc những người được coi là “nội đinh” đều phải nộp một đồng bạc Đông Dương mỗi năm.

Ngày 5-10-1882, Tổng thống Pháp ra sắc lệnh cho phép Thống đốc Nam Kỳ được thu thêm mỗi làng xã một khoản tiền để chi vào việc "giữ gìn trật tự, trị an" và những khoản "tiền phát" đối với những làng xã có người tham gia phong trào chống Pháp. Như vậy có nghĩa là, chính quyền thuộc địa muốn dùng biện pháp kinh tế để đe dọa và khống chế những người yêu nước ngay trong làng quê của họ.

Ngày 3-10-1883, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định bắt các làng xã ở Nam Kỳ lập sổ bộ sinh tử, giá thú để nắm chặt số dân hơn nữa.

Kể từ thập kỷ 80 về sau, công cuộc "bình định” của thực dân Pháp ở Nam Kỳ về cơ bản coi như đã xong, những cuộc khởi nghĩa và nổi dậy của lực lượng yêu nước đã bị dập tắt. Chính quyền thuộc địa, cùng với việc củng cố bộ máy thống trị từ trên đến dưới, cũng tiến hành xây cất các công sở. Ở Bến Tre, tiếp theo các việc xây dựng tòa hành chính là việc lập khám đường, ty cảnh sát, kho bạc, ty thương chánh, trại lính mã tà, tòa án. Ngoài ra, một số công trình công cộng xã hội cũng được xây dựng như bệnh viện, trường tiểu học, chợ Bến Tre...

Ngày 6-10-1891, một cuộc điều tra, đo đạc, phân loại ruộng đất trên toàn cõi Nam Kỳ được tiến hành. Thêm vào đó, bọn tay sai "tân trào" lại ra sức bóc lột, cướp giật đất đai, tiền của của những gia đình có người tham gia nghĩa quân, hoặc có cảm tình, ủng hộ kháng chiến. Ở Bến Tre, chúng đã tiến hành việc lập địa bạ, phân định lại ranh giới đất tư và đất công.

Các chủ trương trên không ngoài việc chuẩn bị cho một kế hoạch khai thác thuộc địa quy mô, mà việc xuất khẩu lúa gạo là một trong những mục tiêu quan trọng nhất. Điều đó cũng có nghĩa là người nông dân vẫn là đối tượng bị đè nén, bóc lột, bị bần cùng hóa hơn mà thôi. Nhiều người nông dân phải cầm bán ruộng đất, bỏ quê hương đến nơi khác để sinh sống, hoặc ra thành thị làm cu-li, tạp dịch, kéo xe v.v... Thực trạng này đã làm cho sự biến động dân cư thêm phức tạp.

Các số liệu thống kê của chính quyền thực dân cho thấy diễn biến của sự gia tăng dân số của Bến Tre (không kể cù lao An Hóa lúc này còn thuộc tỉnh Mỹ Tho) trong những năm đầu thế kỷ XX như sau:

 
1901: 216.816 người

1909: 219.000 người

1914: 270.000 người

1918: 309.000 người

1929: 315.000 người (5)

Như vậy, trong vòng 30 năm, số dân Bến Tre từ 216.000 người tăng lên 315.000 người, trung bình mỗi năm tăng 3.270 người. Đó là tỷ lệ phát triển dân cư tương đối thấp. Trong khi đó, ở giai đoạn 15 năm cuối cùng của chế độ thực dân Pháp (1930 – 1945) dân số của Bến Tre mỗi năm tăng trung bình 9.000 người (6). Trong giai đoạn này có một vài sự kiện đáng ghi nhận: cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940) với chính sách khủng bố trắng của địch và việc động viên một số thanh niên đi lính sang châu Âu trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, những sự kiện này nhìn chung không gây nên những xáo trộn lớn về mặt dân cư.

Một điều đáng lưu ý là ở Bến Tre từ sau khi thực dân Pháp chiếm Nam Kỳ, không còn những nguồn lưu dân từ phía Bắc bổ sung liên tục như ở giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIX về trước. Sự tăng trưởng về dân số chủ yếu là tăng theo tự nhiên. Có một số dân cư từ các tỉnh khác ở Nam Kỳ di chuyển đến Bến Tre, nhưng không nhiều.

Về tình hình phân bố dân cư, nếu như từ nửa đầu thế kỷ XIX về trước, cư dân Bến Tre tập trung chủ yếu ở các vùng giồng, đất đai cao ráo và ở các miệt vườn, ven sông rạch cùng các bến sông, bến tàu thuận tiện cho việc đi lại, giao lưu hàng hoá, thì sau khi người Pháp đến chiếm đóng, mở mang thêm hệ thống giao thông đường bộ, nhiều tụ điểm dân cư mới được hình thành ở ngã ba, ngã tư, bến phà và những thị tứ mới... Ở các trung tâm hành chính (tỉnh lỵ, quận lỵ) dân số cũng tăng nhanh.

Tỉnh lỵ Bến Tre đặt tại làng An Hội là một trong những điểm dân cư quan trọng. Nằm trên bờ sông Bến Tre, ngay từ thế kỷ XVIII, nơi đây cũng đã làm điểm giao thương sầm uất, thuyền bè lui tới tấp nập, tỉnh lỵ xứng đáng là một trung tâm kinh tế, văn hoá nằm giữa một vùng đất đai trù phú. Con đường liên tỉnh 6A (nay là quốc lộ 60) nối từ bến phà Rạch Miễu ngang qua tỉnh lỵ đến bến phà Hàm Luông, sang tận bến phà Cổ Chiên và tỉnh lộ 26 nay là đường tỉnh 885, từ thị xã chạy qua Mỹ Lồng, Cái Bông, Ba Tri ra tận đến biển đã làm tăng thêm vị trí quan trọng của tỉnh lỵ. Mặc dù dồn về Mỏ Cày, nhưng vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của nó vẫn không thay đổi. Dân số ở đây vẫn tiếp tục tăng đều. Theo thống kê của Pháp, đầu thế kỷ XX, làng An Hội có 5.352 người, đến năm 1930, tỉnh lỵ có 6.130 người và đầu năm 1943, có 9.800 người (7).

Theo J. C. Baurac trong quyển Nam Kỳ và dân cư (8), vào cuối thế kỷ XIX, tỉnh Bến Tre (không kể cù lao An Hóa) đã hình thành 18 trung tâm dân cư có từ 300 đến 800 người sống tập trung buôn bán, làm các nghề thủ công như Mỹ Lồng, Ba Tri, Hương Điểm, Sóc Sãi, Mỏ Cày, An Định, Đại Điền, Cái Mơn, Thom, Ba Vát v.v... Số dân của hai cù lao lúc bấy giờ là 162.834 người, diện tích canh tác chiếm 97.613 ha trong 154.600 ha diện tích đã được đo đạc.

Ở Bến Tre, vùng có mật độ dân số cao thường là những vùng được khai phá sớm như tổng Bảo An, Bảo Hựu, Bảo Lộc, Bảo Thành (ở cù lao Bảo), các tổng Minh Đạo, Minh Đạt, Minh Thiện, Minh Thuận (ở cù lao Minh) và tổng Hòa Quới ở cù lao An Hóa. Đến đầu thế kỷ XX, thì đất đai ở Bến Tre về cơ bản đã được khai phá xong, không còn những vùng đất hoang rộng lớn như ở các tỉnh miền Tây, trừ một số đất rừng ngập mặn vùng ven biển Bình Đại và Thạnh Phú.

Nhiều chợ búa được lập ra để đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa cũng như những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Từ chỗ 14 chợ được xây cất nhà lồng chắc chắn vào năm 1892 (không kể các chợ chồm hổm) đến năm 1945, con số đó tăng lên 51 chợ (9), trong đó có những thị trấn, thị tứ sầm uất, hoạt động thương mại khá phồn thịnh như Mỹ Lồng, Giồng Trôm, Hương Điểm, Ba Tri, Mỏ Cày, Thom, Bang Tra, Giồng Luông, Thạnh Phú, Chợ Lách, Tân Thạch, Bình Đại. Nhìn chung, tình hình phát triển dân cư ở Bến Tre trong giai đoạn thuộc Pháp, so với các tỉnh bạn không có hiện tượng đột biến lớn, trừ giai đoạn đầu mới chiếm đóng có những xáo trộn nhất định cùng vài hiện tượng lên, xuống về số dân như đã nêu ở trên. Sự phân bố dân cư diễn ra tương đối đều giữa các vùng và khá ổn định, không có sự chênh lệch quá đáng giữa vùng này với vùng khác trong tỉnh.

Nguồn: https://bentre.gov.vn

Chú thích:

(1) Dẫn theo Nguyễn Duy Oanh, Sđd, tr. 55.
(2) Nguyễn Duy Oanah, Sđd, tr. 55.
(3) Nguyễn Đình Chiểu, Thơ điếu Phan Tòng, Liên hoàn thập thủ, bài II.
(4) Theo Lịch sử Đảng bộ ĐCS Việt Nam, tỉnh Bến Tre, Ban NCLSĐ Bến Tre, 1985, tr. 21.
(5) Theo Statistique de la population de la Cochinchine và Monographie de la province de Bến Tre, Sđd.
(6) Theo Lịch sử Đảng bộ ĐCS Việt Nam, tỉnh Bến Tre, Sđd.
(7) Theo Annuaire Statistique du Vietnam, No 1801.
(8) J.C. Baurac, La Cochinchine et ses habitants, Sđd, chapitre “Arrondissement de Bentre”.
(9) Theo Nguyễn Duy Oanh, Sđd, tr. 166 – 168. Nếu kể cả cù lao An Hóa thì số chợ lên đến 60 cái.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo