Dưới thời nhà Nguyễn (đầu thế kỷ XVII đến 1867)

04/11/2021 2502 0

Về vấn đề lưu dân người Việt đến định cư khai phá vùng đất Đồng Nai - Bến Nghé - Cửu Long, mà ngày nay ta thường gọi bằng tên chung là Nam Bộ, các nhà nghiên cứu cũng đã từng bàn thảo khá nhiều, nhất là trong các thập kỷ gần đây, nhiều người cũng đã cố gắng tìm hiểu, miêu tả và lý giải, nhưng vì thư tịch cổ còn lưu giữ đến hôm nay quá ít ỏi và thường diễn đạt chung chung, thiếu phần cụ thể.

 

Về vấn đề lưu dân người Việt đến định cư khai phá vùng đất Đồng Nai - Bến Nghé - Cửu Long, mà ngày nay ta thường gọi bằng tên chung là Nam Bộ, các nhà nghiên cứu cũng đã từng bàn thảo khá nhiều, nhất là trong các thập kỷ gần đây, nhiều người cũng đã cố gắng tìm hiểu, miêu tả và lý giải, nhưng vì thư tịch cổ còn lưu giữ đến hôm nay quá ít ỏi và thường diễn đạt chung chung, thiếu phần cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ vào nguồn sử liệu có được, cộng với những sách của nước ngoài viết về vùng Đông Nam Á, chúng ta cũng có thể xác định được thời điểm người Việt có mặt sớm nhất ở đây. Phần lớn các nhà nghiên cứu lịch sử, gần như thống nhất ý kiến rằng vào đầu thế kỷ XVII đã có những người Việt từ miền ngoài vào khai thác đất đai và định cư rải rác ở nhiều nơi trên vùng đất mà ngày nay gọi là Nam Bộ (1). Trong khoảng thời gian trên dưới 300 năm, cuộc thiên di của người Việt đến vùng đất mới phương Nam diễn ra liên tục với sự hình thành các thôn, ấp và sự thiết lập từng bước bộ máy hành chính các cấp của chính quyền phong kiến. Dưới đây là một số mốc lịch sử liên quan đến quá trình định cư và khai phá đất đai ở giai đoạn đầu.

Theo một số học giả Pháp, thì vào năm 1620, vua Chân Lạp là Chey Chettha II đã cưới một công nương, con của chúa Nguyễn. Năm 1623, theo yêu cầu của chúa Nguyễn, triều đình Chân Lạp đã chấp thuận việc người Việt đến làm ăn ở Prey Nokor (vùng Sài Gòn ngày nay), Bà Rịa, Đồng Nai, Bến Nghé (2).

  • Sách Gia Định thành thông chí viết: "Chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1686) sai tướng vào khai thác phong cương ở nơi bằng phẳng, rộng rãi, đặt dinh Tân Thuận, cất nha thự cho các quan giám quân, cai bộ và ký lục ở. Ngoài ra, còn cho dân trưng chiếm, chia làng, lập xóm, chợ phố" (3).
  • Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần lại cho phép 3.000 người Hoa "phản Thanh phục Minh" theo hai tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch đến cư trú chính trị và định cư ở vùng Biên Hòa và Mỹ Tho.
  • Đợt chuyển cư đáng chú ý nhất vào đầu thế kỷ XVIII diễn ra sau sự kiện Nguyễn Hữu Cảnh tuân lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào kinh dinh đất Gia Định (1698). Có lẽ đây là đợt chuyển cư có tổ chức do chính quyền phong kiến hướng dẫn lớn nhất so với trước đó. Lúc này, dân số đã lên đến 4 vạn hộ, nghĩa là tương đương với khoảng 200.000 dân, một điều kiện quan trọng để chúa Nguyễn cho lập huyện Phước Long và Tân Bình với hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn lúc bấy giờ.
  • Sang đầu thế kỷ XVIII, vào năm Ất Dậu (1705), Nguyễn Cửu Vân, một tướng của chúa Nguyễn, sau khi giúp Nặc Ông Yêm đánh bại quân can thiệp Xiêm, kéo quân vào đóng ở Vũng Gù (vùng thị xã Tân An ngày nay) cho quân khai phá vùng đất chung quanh và đào thông hai ngọn rạch Mỹ Tho – Vũng Cù, vừa để làm đường vận chuyển, vừa làm hào phòng thủ (4).
  • Năm 1756, khi Nguyễn Cư Trinh tiếp thu phủ Lôi Lạp (Soài Rạp), thì dân số vùng này đã tương đối đông. Trong tờ sớ gửi lên Nguyễn Phúc Khoát, Nguyễn Cư Trinh viết: "Từ xứ Sài Gòn đến phủ Tầm Đôn... đất đai mênh mông, ruộng nương rất nhiều, dân số lên đến vạn người" (5). Cũng từ đây, số lưu dân kéo vào ngày càng đông, nhất là sau vụ chạy loạn của dân miền Trung vào Nam, khi quân Trịnh lợi dụng cơ hội chúa Nguyễn đang lúng túng trước phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, vượt sông Gianh, đánh chiếm Thuận Hóa, Quảng Nam (1774).

Vào thập niên 70 của thế kỷ XVIII, hai tổng Phước Lộc và Thuận An đã có hơn 350 thôn với 15.000 dân đinh, tương đương với khoảng 75.000 dân (6). Như vậy, chỉ trong vòng có mấy thập kỷ mà số dân đã tăng vọt khá nhanh.

  • Trong khi đó, cuộc chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh kéo dài một phần tư thế kỷ (1777 – 1802) cũng đã gây nên những xáo trộn nhất định về dân cư ở khu vực thành Gia Định và các vùng phụ cận, trong đó có Bến Tre (lúc bấy giờ là vùng đất gồm một phần huyện Kiến Hòa tức cù lao An Hóa và hai huyện Bảo An, Tân Minh thuộc dinh Long Hồ).

    Trong sự nỗ lực giành lại chiếc ngai vàng của dòng họ, Nguyễn Ánh cũng đã ra sức phát triển kinh tế, nhằm ổn định trật tự xã hội, đồng thời tích trữ lương thực cho cuộc chiến tranh chống Tây Sơn. Từ sau năm 1790, Nguyễn Ánh cũng ra lệnh cho quân đội vỡ ruộng, cử nhiều viên quan có tài làm điền nông sứ để vận động nhân dân ra sức phát triển nông nghiệp, đặt các sở đồn điền để sản xuất lương thực. Sau này, khi đã lên ngôi vua (1802), Gia Long vẫn tiếp tục duy trì và phát triển các hình thức đồn điền để mở rộng việc khai hoang. Hai cù lao Bảo và Minh cũng có một số đồn điền theo dạng này.

    Đến thời Minh Mạng, Châu bản triều Nguyễn có ghi sự kiện: “Trương Minh Giảng đưa hơn 1.200 phạm nhân giao cho thành Gia Định phân phối họ đến các đồn điền” (7).

Nhìn chung các đợt chuyển cư từ miền ngoài, chủ yếu là dân vùng Ngũ Quảng (8) vào đất Đồng Nai – Gia Định trong thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, diễn ra không ào ạt, nhưng tương đối đều đặn và liên tục. Số lưu dân đến định cư ở đây gồm có hai luồng chính: luồng đi thuyền vào Đồng Nai, Bến Nghé, Tân Bình rồi sau đó mới tỏa về các địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long. Về tốc độ cũng như về số lượng của luồng này phát triển chậm chạp và có nhiều hạn chế. Luồng thứ hai cũng đi đường biển bằng ghe bầu theo gió mùa hàng năm, thẳng vào các cửa sông như cửa Tiểu, cửa Đại rồi ngược dòng các sông lớn, tiến sâu vào nội địa, tỏa ra định cư ở các giồng, gò, vùng đất cao ráo có nước ngọt ở hai bên bờ sông, hoặc theo dọc các con rạch.

Đầu thế kỷ XIX, khi con đường thiên lý từ Huế vào Gia Định được khai thông, có một số lưu dân chuyển cư theo đường bộ, nhưng rất hạn chế vì đường sá hiểm trở, nạn trộm cướp dọc đường thường xảy ra, cho nên không an toàn.

Đối với Bến Tre, lưu dân đi theo đường biển chiếm số lượng lớn nhất. Trong khi đó, số từ các địa phương lân cận di chuyển đến, tuy có nhưng không nhiều. Thường thường cuộc di chuyển được tổ chức thành nhóm, thành đoàn giữa những người bà con, dòng họ với nhau, những người cùng xóm giềng, làng xã quen biết nhau, những người cùng một tôn giáo (họ đạo Thiên Chúa) v.v... Và theo trình tự "người đi trước rước người đi sau”, những lớp lưu dân tự động tổ chức các cuộc đi nối tiếp nhau. Cũng có những cuộc di chuyển do Nhà nước đứng ra tổ chức, hoặc do “những người dân có vật lực ở xứ Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn mộ vào Nam khai phá..." như Lê Quý Đôn miêu tả trong Phủ biên tạp lục.

Như vậy là bên cạnh đại đa số dân nghèo khổ, nạn nhân của chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến và chính sách bóc lộc, áp bức của nhà nguyễn, đi vào vùng đất mới để mong tìm được một sự “đổi đời” khá hơn, tốt hơn so với nơi quê cũ, còn có những người có tiền của, giàu có (những người có vật lực) với động cơ kinh doanh, làm ăn lớn. Chính lực lượng này vừa có vốn liếng, vừa tích lũy được nhiều kinh nghiệm sản xuất, nên đã góp thêm những yếu tố quan trọng đẩy nhanh tốc độ khai phá đất đai, phát triển kinh tế hàng hóa.

Có những người, hoặc gia đình di chuyển một mạch từ miền Trung đến Bến Tre như trường hợp ông Thái Hữu Xưa. Từ phủ Tư Nghĩa, gia đình ông đi bằng ghe bầu vào định cư tại Ba Tri.

Trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Vạn (90 tuổi, tính đến 1987) ở xã Thành Thới, trong bản gia phả bằng chữ Hán có ghi rõ ông tổ tên là Nguyễn Bình Đức, vợ là Bùi Thị Nhung quê ở bến đò Cô Hai, thôn An Trạch (nay thuộc xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) vào thẳng Bến Tre định cư ở Mỏ Cày.

Bản gia phả của gia đình ông Bùi Quang Đảnh (68 tuổi, tính đến năm 1984) ở thị trấn Mỏ Cày có ghi ông tổ là Bùi Ly, quê ở Châu Ổ (nay là thị trấn huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lúc đầu đến định cư ở Giồng (Ổi, xã Long Sơn), tổng Bảo Thành, (cù lao Bảo) làm ruộng và chăn tằm.

Bản gia phả gia đình ông Lê Quang Lục (81 tuổi, tính đến năm 1984) ở xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri, có ghi rõ quê quán ở thôn Phước Thuận, tổng Bình Hòa, huyện Bình Sơn, phủ Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) vào Ba Tri bằng ghe bầu từ năm 1877.

Cũng có những bản gia phả ghi chép từng đời con cháu đến định cư ở đây, còn quê hương bản quán thì chỉ ghi chung chung "ở miền Ngoài vào", nhưng có thể căn cứ một số chi tiết khác trong gia phả mà đoán định được quê hương gốc của họ, như trường hợp một gia đình họ Nguyễn ở xã Định Thủy (Mỏ Cày). Bài thơ chép trong gia phả này có đoạn: "Lều tranh có kẻ già khằn. Hỏi rằng xứ ấy Chiên Đờn còn xa. Mong sao phúc đức ông bà. Chuyến này chẳng đặng còn là chuyến sau". Chiêu Đờn (hay Chiêu Đàn) là một địa danh nổi tiếng về trái thơm (khóm) thuộc thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, cũng giống như thơm Bến Lức ở Long An vậy. Có khá nhiều trường hợp lưu dân trước khi định cư tại Bến Tre đã dừng lại ở một số địa phương trên đường di chuyển. Họ chuyển cư theo lối “nhảy cóc” từng chặng một, dừng lại ở đó một thời gian, có thể ngắn hoặc dài, rồi sau đó đi tiếp về phương Nam. Gia đình ông Hồ Văn Ưa là ông tổ của ông Hồ Văn Ngật, 70 tuổi ở xã Phú Lễ, huyện Ba Tri. Ông Hồ Văn Ưa gốc người Quảng Bình, theo cuộc di dân của chúa Nguyễn, đời Cảnh Hưng, vào Quảng Nam sinh sống một thời gian, sau đó đi tiếp vào Trấn Biên (Biên Hòa). Từ Biên Hòa, ông Ưa di chuyển gia đình đến Phú Lễ, huyện Ba Tri và đến nay tính đã 5 đời.

Qua cuộc khảo sát hàng trăm gia phả ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày, Chợ Lách, chúng ta gặp nhiều gia đình mà mộ cha, mộ ông nội chôn tại Bến Tre, nhưng mộ ông cố, ông sơ lại nằm ở Gò Công, Tân An hoặc Bà Rịa. Phăng tìm ngược dòng các thế hệ xa hơn nữa thì gốc gác của gia đình này ở tận Quảng Nam, Quảng Ngãi. Các cụ già khoảng 60 – 70 tuổi kể lại rằng trước đây các cụ vẫn đi về nơi ông cố, ông sơ đã từng định cư để dự giỗ chạp, dự việc họ. Chỉ từ khi chiến tranh nổ ra đến nay, việc đi lại khó khăn, không an toàn nên tục lệ này phai nhạt dần. Vùng huyện Chợ Lách và huyện Mỏ Cày có nhiều gia đình mà gốc gác hai ba đời về trước ở Trà Vinh.

Đến Bến Tre cũng không hoàn toàn có nghĩa là sẽ định cư mãi mãi ở một nơi cố định, trái lại vì nhiều lý do khác nhau, như vì sinh kế, vì hôn nhân, vì chiến tranh... nhiều gia đình lại tiếp tục di chuyển từ huyện này sang huyện khác, hoặc từ một gia đình lớn đến đời con, đời cháu, đời chắt lại phân tán ra thành nhiều gia đình nhỏ làm ăn ở nhiều nơi. Trường hợp bà tổ của ông Đặng Tường Hưng ở xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày là một ví dụ. Theo gia phả của gia đình còn lưu giữ được thì bà tổ tên là Hến, từ Huế dắt hai con trai vào Giồng Trôm (không ghi rõ thôn xã cụ thể) vào cuối thế kỷ XVIII. Một trong ba người con trai bị cọp vồ chết. Sau đó, bà Hến cùng hai người con trai còn lại dắt díu nhau đến định cư ở xã Hòa Lộc, huyện Mỏ Cày cho đến ngày nay.

Những cuộc điều tra khảo sát về văn hóa dân gian và nguồn gốc dân cư do Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng Sở Văn hóa – Thông tin Bến Tre tiến hành vào hai năm 1983 – 1984 cho biết qua 281 gia phả thành văn (bao gồm cả chữ Hán, Nôm, chữ quốc ngữ) và qua những câu chuyện kể không thành văn ở các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Ba Tri, Chợ Lách, Bình Đại, Mỏ Cày, Thạnh Phú và thị xã Bến Tre có thể rút ra một số kết luận sau đây:

  • Số người định cư trước thế kỷ XVIII chiếm 3,6%.
  • Số người định cư ở thế kỷ XVIII chiếm 32,5%.
  • Số người định cư ở thế kỷ XIX chiếm 63,9%.

Như vậy, ta thấy làn sóng lưu dân chuyển vào Bến Tre ào ạt nhất là ở thế kỷ XIX, gấp đôi số lượng của hai thế kỷ trước đó cộng lại.

- Về nguồn gốc địa phương của 112 gia phả (có nói đến xuất xứ) được chia ra như sau:

  • 38 gia đình quê gốc ở Quảng Ngãi.
  • 17 gia đình ở Thừa Thiên, Quảng Trị.
  • 19 gia đình ở Quảng Nam.
  • 9 gia đình ở Quảng Bình.
  • 11 gia đình ở Bình Định.
  • 5 gia đình ở Nghệ An.
  • 3 gia đình ở Hà Đông.
  • 2 gia đình ở Nam Định.
  • 4 gia đình ở miền Trung (không rõ tỉnh).
  • 4 gia đình ở miền Bắc (không rõ tỉnh).

Những dẫn chứng cùng các cứ liệu trên đây kết hợp với các đặc điểm về phong tục tập quán (cúng giỗ, cưới xin, ma chay, tục thờ cá voi, cúng việc lề...) về vốn văn nghệ dân gian (như hát sắc bùa), vốn từ vựng trong ngôn ngữ thường ngày của người dân, cùng những vật dụng, đồ trang trí nội thất (giường tủ, bàn thờ, chiếc rương xe, bộ tràng kỷ bằng tre) đã giúp ta xác định rõ được nguồn gốc dân cư của đồng bào Bến Tre. Ngoài ra, những tài liệu Hán Nôm, những câu liễn đối, bức hoành, sách thuốc, sách thầy cúng cũng đã cung cấp thêm cho chúng ta những cứ liệu lý thú khi đi tìm nguồn gốc của các vị tiền hiền, hậu hiền, các vị tổ của một số dòng họ, làm sáng tỏ thêm những điều ghi chép trong gia phả. Cần lưu ý thêm rằng có một số gia phả, nhất là những gia phả bằng chữ quốc ngữ, thường do những thế hệ sau này ghi theo trí nhớ của ông, cha kể lại, cho nên độ chính xác cũng chỉ là tương đối.

Tổng hợp lại tất cả các nguồn tài liệu qua những chuyến điều tra khảo sát điền dã nhiều vùng khác nhau trong tỉnh, có thể xác định được rằng nguồn gốc cộng đồng dân cư Bến Tre đa số ở miền Trung, đặc biệt từ phía nam đèo Hải Vân trở vào. Ở đây, cần lưu ý thêm một điều: nhiều gia phả ghi quê cũ ở Bắc - từ "Bắc" ở đây không mang nghĩa như ta hiểu miền Bắc của Tổ quốc ngày nay. Đa số đồng bào Lục tỉnh Nam Kỳ trước đây do thiếu hiểu biết rạch ròi về địa dư, thường căn cứ vào giọng nói, đã quan niệm "Bắc" với nghĩa bao gồm khu vực từ Bình Thuận trở ra, mà không phân biệt giọng Quảng, giọng Huế, Nghệ Tĩnh hay đồng bằng sông Hồng.

Từ nhiều địa chỉ khác nhau, những lưu dân trong quá trình đi tìm "mảnh đất lành” đã hội tụ về dải đất ba cù lao màu mỡ. Chính điều này đã góp phần quy định sự đa dạng và phong phú về kiến thức, nghề nghiệp, kinh nghiệm sản xuất, săn bắt thú dữ, chữa bệnh khi ốm đau, xây cất nhà cửa, thói ăn nếp ở, phong tục tập quán và những sinh hoạt văn hóa dân gian khác. Ngoài những nghề chính như trồng lúa nước, làm vườn, đánh bắt thủy hải sản, làm muối v.v...

Đất Bến Tre cũng là nơi có nhiều lò võ với những thầy võ nổi tiếng xa gần. Nằm trên địa bàn án ngữ con đường giao thông thủy từ miền Tây lên miền Đông, có nhiều cửa biển, tàu bè có thể từ biển Đông ngược dòng Cửu Long lên tận Phnom Pênh, Bến Tre đã sớm mở rộng sự giao lưu với bên ngoài, nên cũng là nơi nghề thương hồ phát triển mạnh. Con người ở đây có điều kiện đi đây đi đó nhiều nơi, kể cả những nơi xa, có dịp tiếp xúc học hỏi, buôn bán, tiếp thụ những tinh hoa mọi vùng để làm giàu thêm kho tàng kiến thức của mình. Chiếc ghe Cửa Đại, nghề lưới rê, giàn đáy sông cầu, một số kỹ thuật đánh bắt tôm cá cho năng suất cao của ngư dân, nghề ghép cây, chiết cành ở Vĩnh Thành (Chợ Lách), lối kiến trúc nhà cửa ở Châu Thành, Mỏ Cày v.v... là những minh chứng cụ thể về điều đó.

Tuy nhiên, chế độ phong kiến nhà Nguyễn với cái cơ chế bảo thủ, lạc hậu mang nặng tính chất cát cứ, với những luật lệ hà khắc đã gây nên những mâu thuẫn gay gắt, làm kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Sử sách phong kiến cũng ghi nhận rằng trong giai đoạn 1802 – 1862, nhiều trận dịch tễ lớn đã diễn ra và đã cướp đi hàng chục vạn sinh mạng. Riêng trận dịch năm 1820 lan rộng từ Hà Tiên đến Thừa Thiên đã giết hại 50.000 người và trận dịch năm 1826 làm chết riêng ở Nam Kỳ, trong đó có Bến Tre, 16.000 người. Đặc biệt, trận dịch xảy ra vào năm Kỷ Dậu (1849), mà Bến Tre nằm trong vùng trọng điểm của nó, “đã gây tử vong khoảng 3/10 dân số và để lại ấn tượng lo ngại sâu sắc nơi các vị bô lão sống vào đầu thế kỷ XX" (9). Tình hình này đã có ảnh hưởng nhất định đến lịch sử phát triển dân số của Bến Tre.

Sau này, dưới thời thuộc Pháp, bệnh dịch thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhưng những điều kiện vệ sinh phòng ngừa, thuốc men cũng như màng lưới y tế được tổ chức khá hơn, cho nên có thể dập tắt nhanh chóng, hạn chế được thiệt hại đáng kể.

Như vậy, tình trạng dịch bệnh ở các thế kỷ trước cũng là một nguyên nhân đáng kể làm hạn chế mức tăng dân số, thậm chí có khi gây ra hiện tượng sút giảm trong một thời gian dài. Đó là chưa kể đến bệnh sốt rét ác tính - một bệnh phổ biến ở vùng khí hậu ẩm ướt, nhiệt đới có nhiều rừng và đầm lầy, nhất là vùng đang hoặc mới khai thác còn nhiều muỗi mòng – đã giết chết hàng năm một số lượng dân cư đáng kể.

Chiến tranh cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển dân số, đồng thời cũng gây nên những xáo trộn về địa bàn cư trú trên một diện rộng. Cuộc chiến tranh kéo dài một phần tư thế kỷ giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi và chính sách đàn áp, khủng bố trả thù khốc liệt của Minh Mạng diễn ra sau đó, những cuộc đàn áp dân theo đạo Thiên Chúa dưới triều Minh Mạng, Tự Đức v.v... đã gây nên những cuộc xáo trộn, di chuyển dân cư đáng kể.

Đặc biệt cuộc chiến tranh chống xâm lược Pháp vào nửa năm thế kỷ XIX và công cuộc "bình định" của bọn thực dân trong thập kỷ 60 và 70 tiếp theo đó đã gây nên những cuộc di chuyển dân cư rất phức tạp – không chỉ ở Bến Tre mà cả địa bàn Nam Bộ, và không chỉ ở Nam Bộ còn lan ra đến một số tỉnh miền Nam Trung Bộ. Một ví dụ: Vùng Ba Vát, Mỏ Cày là vùng dân cư đông đúc, trù phú của cù lao Minh. Sách Gia Định thành thông chí miêu tả Ba Vát "có phố xá liền lạc, ghe thuyền đậu tiếp tục đến huyện lỵ Tân An. Cách 15 dặm rưỡi, sông Mỏ Cày cũng có phố xá trù mật" (10). Sách Đại nam nhất thống chí cũng có nhận xét “Chợ Ba Vát ở thôn Phước Hạnh, lỵ sở của huyện Tân Minh, phố xá đông vui, thuyền bè tấp nập" (11). Thế nhưng nơi đây, trong cuộc đụng độ ác liệt giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh, đã bị tàn phá nặng nề, dân cư phân tán mỗi người một ngả, phải mất một thời gian nhiều thập kỷ mới phục hồi lại được.

Chiến tranh và chính sách khủng bố, trả thù của kẻ chiến thắng đã dẫn đến việc thay tên, đổi họ khá phổ biến ở Nam Bộ, trong đó có Bến Tre. Hiện tượng này không chỉ diễn ra dưới thời Gia Long, Minh Mạng... mà cả sau này, dưới thời thực dân Pháp với chính sách đàn áp những người kháng chiến và những người ủng hộ lực lượng kháng chiến của chúng và đám tay sai "tân trào". Gia phả của từng gia đình họ Đỗ ở xã Lương Hòa (Giồng Trôm) gốc từ miền Trung vào đây sinh cơ lập nghiệp đã 7, 8 đời có nói rõ lý do thay tên đổi họ giữa thời buổi nhiễu nhương như sau: "Quê này quê của người ta. Anh em lưu lạc sống hòa người dưng. Thay tên đổi họ không ngừng. Mới hòng sống đặng với cùng giặc Tây". Như vậy, việc thay tên đổi họ không chỉ diễn ra một lần, có khi nhiều lần, như trường hợp nhà họ Đỗ trên đây sau khi Pháp xâm lược.

Như đã trình bày ở phần trên, nguồn gốc dân cư gắn liền với lịch sử đấu tranh thiên nhiên và đấu tranh xã hội, gắn liền với việc khai phá và tạo dựng thôn ấp, làng xã của nhiều thế hệ kế tiếp nhau. Quá trình đi tìm đất mới để lập nghiệp, tính kế dài lâu cho các con cháu của ông cha ta trên mảnh đất này rõ ràng đã không diễn ra đơn giản, thẳng tuột một lèo từ bến A đến bờ B như trên một dòng sông chảy xuôi về biển, mà thường rất quanh co, khúc khuỷu. Sự xê dịch, xáo trộn, có khi hợp rồi tan, có khi đi vòng vo là những hiện tượng thường thấy ở nhiều gia đình, dòng họ cũng như nhiều làng xã ở Bến Tre.

Khi đến vùng đất mới, những lưu dân thường có tập quán sống quần tụ với nhau theo quan hệ gia đình, dòng họ, hoặc cùng quê quán, cùng tôn giáo trên những nơi thế đất cao ráo, gần bến sông hay rạch, thuận lợi cho việc canh tác, tưới tiêu nước và vận chuyển, đi lại. Rồi dần dần thôn ấp được hình thành, đến khi có được một số lượng dân nhất định, họ chung nhau xây đình, dựng chùa, lập chợ... Các nơi này trở thành những trung tâm thu hút lớp lưu dân đến sau và họ nương tựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong khai phá đất đai, đắp đập, đào mương thủy lợi v.v... Ví như nghề đóng đáy trên sông, biển, không thể một mình, một người làm nổi, mà cần phải có nhiều người chung vốn, chung sức cùng hợp tác với nhau.

Theo thời gian, các tụ điểm dân cư dần dần nối liền nhau và tỏa rộng ra theo hình rẽ quạt. Dĩ nhiên, bản đồ dân cư lúc đầu trong một thời gian dài còn mang hình "da báo" khá rõ, bởi vì những điều kiện kỹ thuật canh tác, sức lao động, phương tiện... còn rất nhiều hạn chế. Cách thức khai hoang chủ yếu vẫn là theo lối "móc lõm", nghĩa là những nơi nào hội đủ những điều kiện tốt nhất (địa thế đất đai hợp với cây trồng, nước tưới, điều kiện để bảo vệ v.v...) thì công cuộc khai phá được tiến hành, nơi nào khó khăn quá, sức người chưa vượt qua nổi thì chừa lại, tính sau khi có đủ điều kiện.

Có thể nói rằng đến cuối thế kỷ XVIII diện mạo của cộng đồng dân cư Bến Tre về cơ bản đã định hình trên cơ sở một nền sản xuất vật chất chủ yếu nông nghiệp và ngư nghiệp. Cùng với việc mở rộng diện tích khai hoang, sản xuất phát triển, lương thực dồi dào, các thôn xã hình thành ngày một nhiều. Việc quản lý xã hội đi dần vào nề nếp ổn định, chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho đời sống tinh thần – văn hóa của cộng đồng phát triển.

Từ năm 1802, chiến tranh Tây Sơn - Nguyễn Ánh kết thúc. Trong bối cảnh hòa bình, toàn vùng Đồng Nai – Gia Định nói chung cũng như Bến Tre nói riêng, người dân bắt tay vào xây dựng lại đời sống, ổn định nơi ăn chốn ở. Những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước phong kiến khuyến khích việc khai hoang như miễn giảm thuế một số năm cho ruộng mới vỡ, phong thưởng cho những thành tích mộ dân, khẩn đất, lập làng, ấp... đã có tác dụng kích thích mạnh đến sản xuất nông nghiệp, làm tăng nhanh dân số. Nghề thủ công và buôn bán cũng phát triển, các chợ búa, phủ lỵ, quận lỵ, huyện lỵ hình thành, đón nhận những người "có vật lực" và những luồng lưu dân mới từ miền ngoài kéo vào đông đảo hơn, bổ sung vào cộng đồng cư dân Bến Tre vào nửa đầu thế kỷ XIX. Việc di dân liên tục đến Bến Tre (tất nhiên có một số người từ Bến Tre chuyển đi các vùng khác ở Nam Bộ) và sự gia tăng dân số tự nhiên đã làm cho dân số của tỉnh tăng nhanh. Qua bản thống kê số dân ở Nam Bộ vào giữa thế kỷ XIX, tỉnh Vĩnh Long (trong đó có Bến Tre) có 41.336 dân đinh, nghĩa là vào khoảng 206.000 dân.

Ở thời điểm này, nền kinh tế của Bến Tre - chủ yếu là nông nghiệp – cũng đã phát triển khá. Nguồn lợi chủ yếu là gạo và dừa khô, thứ đến là trái cây. Bến Tre cũng bán ra ngoài mặt hàng lụa và cau khô, một số sản phẩm của biển như cá khô, tôm khô v.v...

Sự tăng trưởng về kinh tế đã tạo điều kiện cho văn hóa, giáo dục phát triển. Trước khi giặc Pháp chiếm đóng, tỉnh Bến Tre đã có 70 trường dạy chữ Hán (12). Các trường này phần lớn đặt ở các tư gia hoặc trong các chùa chiền để dạy chữ và lễ nghĩa, đạo lý. Trong số đó có trường nổi tiếng của thầy giáo kiêm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Như vậy là khi đời sống kinh tế đã ổn định, thế hệ cha ông chúng ta đã nghĩ đến việc học chữ. Với truyền thống hiếu học, nhân dân Bến Tre trong các thế kỷ qua đã có nhiều người đỗ đạt cao, có tri thức uyên bác trong hàng khoa mục ở Nam Kỳ.

Chú thích:

(1) Cũng có một vài ý kiến cho rằng lịch sử định cư của người Việt tại đây diễn ra sớm hơn trước thế kỷ XVII. Thực ra nếu có thể thì cũng chỉ là trường hợp cá biệt.
(2) Dẫn theo Phan Khoang, Việt sử: Xứ Đàng Trong (1558 – 1777), Khai Trí, S., 1967, tr. 400.
(3) Trịnh Hoài Đức, Sđd, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, tr. 73.
(4) QSQTN, Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb Sử học, H., 1962, tr. 192-193.
(5) Lê Quý Đôn, Sđd, Q. 2, tr. 89.
(6) Lê Quý Đôn, Sđd, Q. 1, tr.19. Theo cách tính mỗi dân đinh là một chủ hộ gồm: cha, mẹ, chồng, vợ, con cái, trung bình 5 người.
(7) Châu bản triều Nguyễn, Minh Mạng năm thứ 19 (1838), Q. 73, tr. 134, Kh lưu trữ TƯ II, bản dịch Ban Văn học, Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh.
(8) Địa danh chỉ 5 dinh được lập đầu thế kỷ XIX, dưới thời Gia Long, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức (tức Thừa Thiên), Quảng Nam và Quảng Ngãi.
(9) Theo Monographie de la province de Bến Tre, Sđd, tr. 12.
(10) Trịnh Hoài Đức, Sđd, tập thượng, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo, tr. 80.
(11) QSQTN, Đại Nam nhất thống chí, tập 5, Nxb Khoa học, H., 1971, tr. 139.
(12) Theo Monographie de la province de Bến Tre, Sđd.

Nguồn: bentre.gov.vn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo