Bánh Quê - Ký Ức Tuổi Thơ Lan Toả Giá Trị Văn Hoá

10/07/2024 223 0
KỲ II: GIÁ TRỊ VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG CHỨA ĐỰNG TRONG MỖI CHIẾC BÁNH QUÊ

“Hai tay bưng quả bánh bò

Giấu cha giấu mẹ cho trò đi thi”

(Ca dao)

Sản vật phong phú và đôi tay khéo léo của người Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng làm ra những chiếc bánh, lưu truyền qua các thế hệ đã tạo nên nét độc đáo của văn hóa dân gian địa phương. Nghệ nhân làm bánh đã và đang nỗ lực duy trì, gìn giữ, phát huy những giá trị cho đến nay.

Từ nguồn nguyên liệu như gạo, nếp, dừa, chuối, … các nông sản địa phương sẵn có, làm ra những món bánh thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng. Bánh vị ngọt, mặn, có nhân, không nhân, bánh gói, bánh trần; đủ các loại hình dáng: tròn, dẹp, vuông, …. Để làm bánh phải trải qua nhiều công đoạn như xay bột, giã gạo, nhồi bột, ép bánh, nắn bánh, nướng, hấp, cuốn… Cùng là chiếc bánh lá mơ nhưng người dân Bến Tre có nơi nắn bánh bằng lá mít, nơi khác nắn bằng lá dừa nước. Nhờ vậy mà khi thưởng thức mới khám phá được hương vị tự nhiên, màu sắc và nét tinh tế của từng loại bánh.

 Đa phần người dân Bến Tre rất thích các loại bánh có nhiều màu sắc, việc sử dụng các màu sắc từ nguyên liệu tự nhiên nhưrau, củ, quả vừa là món ăn mà còn là bài thuốc, vị ngon và có lợi cho sức khỏe như: màu xanh của lá dứa, màu đỏ từ củ dền hoặc quả thanh long ruột đỏ, màu cam của trái gấc, xanh lam từ hoa đậu biếc,… tạo ra sự bắt mắt, hấp dẫn cho món bánh. Chính điều đó, những chiếc bánh thường có những câu chuyện riêng khi thưởng thức.

Bánh còn được dùng trong các ngày giỗ, ngày Tết hoặc dâng cúng tổ tiên: bánh tét thường bắt gặp vào dịp tết, các dịp cúng giỗ có làm bánh ít, bánh bò, bánh da lợn... vừa làm vừa trò chuyện rôm rả khiến không khí vui vẻ, ấm cúng.

Bánh ít màu làm từ quả gấc (Ảnh: Sưu tầm Internet)

Hiện nay, trong quá trình giao lưu, tiếp biến với nhiều loại hình văn hóa ẩm thực đa dạng, việc vận dụng khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào quy trình sản xuất các loại bánh được hiện đại hơn, tạo ra nhiều sản lượng hơn nhưng món bánh quê làm thủ công vẫn được giữ gìn, kế thừa và phát huy. Mọi người vẫn yêu thích và hết lòng giữ gìn những món bánh ngon truyền thống được kế thừa từ đời này sang đời khác. Người nghệ nhân có đôi tay tài hoa và sáng tạo đã kế thừa và bảo tồn những chiếc bánh quê, góp phần đa dạng hóa các loại bánh mà không làm mất đi bản sắc văn hóa bản địa.

Bánh cuốn ngọt màu là gấc và lá dứa (Ảnh: B.T)

Trong quá trình lao động vất vả, người dân miền Tây Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng luôn biết tạo ra niềm vui, thoải mái sau thời gian mệt mỏi công việc. Bánh quê vẫn là điều gì đó khắc sâu trong lòng mỗi con người, dù là trẻ nhỏ hay những người trưởng thành trên vùng đất này đều có những ký ức đặc biệt với các món bánh. Giá trị trong những chiếc bánh còn là nét văn hoá của con người địa phương hình thành trong nếp sống từ thời khai hoang cho đến nay. Từ những đứa trẻ cho đến người trưởng thành ở những vùng quê xa xôi luôn nhung nhớ hương vị ngọt ngào trong ký ức tuổi thơ, vị ngọt của những chiếc bánh mộc mạc, dân dã của chiếc bánh da lợn, bánh bò,… lại quyến rũ.

Về Bến Tre, tại các chợ lớn nhỏ, ở huyện hay thành phố, mỗi sáng ở đâu cũng bắt gặp được các cô, các dì bày bán các loại bánh quê phong phú, nhìn rất hấp dẫn. Đây cũng chính là điểm thu hút du khách tìm hiểu về vùng đất và con người nơi đây.

Bánh tằm mì (Ảnh: B.T)

Ẩm thực chế biến từ dừa đã được khai thác rất nhiều trong việc phát triển du lịch Bến Tre nhằm giới thiệu về nguồn gốc, phong tục tập quán của địa phương trong món ăn, cũng như nét tinh tế thể hiện trong sự kết hợp các nguyên liệu của người dân địa phương. Ở đó, không chỉ có sự hòa quyện, nhịp nhàng và chính xác từ chọn nguyên liệu, độ già của lửa, tạo hình, màu sắc, … mà còn có hương vị truyền thống được lưu giữ qua bao thế hệ, thể hiện đặc trưng của Xứ Dừa. Bánh không chỉ là món ăn sau thời gian nhàn rỗi mà còn là chuyện đời, chuyện người, là văn hóa bản địa lan toả sự hào sản, tính phong phú của sản vật nơi đây./.

Bảo Trâm

Related Post

Sample Plan

X

Notification