Làng nghề truyền thống nổi danh Xứ Dừa: Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc

20/05/2024 313 0
Nghề bánh tráng, bánh phồng tồn tại ở nhiều địa phương trên đất Nam Bộ nhưng nổi danh hơn cả là bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc thuộc tỉnh Bến Tre, được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 4069/QĐ-BVHTTDL ngày 30/10/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước đây, chiếc bánh tráng, bánh phồng chủ yếu được các gia đình làm trong dịp Tết để dâng cúng tổ tiên, ông bà. Ngày nay, làng nghề hoạt động xuyên suốt cả năm. Vào những tháng cận Tết, thời gian làm bánh mỗi ngày dài hơn, bởi bánh ở đây không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn ngoài nước.

Ngọt ngào hương vị Bánh tráng Mỹ Lồng

Làng Mỹ Lung xưa, nay gọi là Mỹ Lồng, thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, từ lâu đã nổi tiếng với nghề bánh tráng truyền thống. Làng nghề Mỹ Lồng được hình thành từ khi nào chẳng mấy ai nhớ rõ, nhưng theo các cụ cao niên trong làng, nghề làm bánh tráng đã tồn tại cách nay khoảng 100 năm. Lại có giả thuyết cho rằng, thuở khai hoang lập ấp, để ứng phó với quân của chúa Trịnh nên quân của chúa Nguyễn yêu cầu dân Mỹ Lung tập trung gạo và sức dân để tráng bánh làm lương khô cho quân đội dự trữ chiến đấu lâu dài. Vì thế mà hình thành làng nghề bánh tráng lưu truyền đến nay.

Nghề làm bánh tráng truyền thống ở Mỹ Lồng xưa (sưu tầm)

Chỉ từ bột gạo hòa quyện nước cốt dừa, đường, muối, mè, sữa, trứng… người dân Mỹ Lồng đã sáng tạo nên những chiếc bánh tráng thơm ngon, nhiều hương vị. Điểm khác biệt rõ rệt nhất của bánh tráng Mỹ Lồng với những nơi khác là bánh tráng Mỹ Lồng được làm từ gạo dẻo và nước cốt dừa béo ngậy của xứ sở quê hương. Gạo để tráng bánh phải là loại gạo ngon, thơm vừa, không quá khô, được vo kỹ và xay nhuyễn thành bột nước. Dừa phải chọn những trái già, cùi dày, nạo lấy nước cốt đặc và sánh.

Pha bột tráng bánh thường là những người có nhiều kinh nghiệm, bột pha đúng và đủ thì bánh không bị dính khuôn, dễ dàng trong việc lật trở khi phơi khô. Người tráng bánh lành nghề cho ra thành phẩm là những chiếc bánh tròn, đều và đẹp mắt. Bánh tráng xong được đặt trên những tấm phên làm từ lá dừa để phơi. Có tận mắt chứng kiến từ lúc pha bột, tráng bánh, phơi bánh… mới thấy chiếc bánh tráng Mỹ Lồng được tạo ra từ sự khéo léo, kì công và rất tâm huyết của người dân làng nghề.

Nếu trước đây, Mỹ Lồng nổi danh với bánh tráng mè truyền thống thì ngày nay, nhằm hội nhập với xu thế, chiếc bánh có nhiều chủng loại để du khách lựa chọn như: bánh tráng sữa trứng gà, bánh tráng mặn, bánh tráng gừng…

Bánh tráng Mỹ Lồng đậm đà hương vị dừa (ảnh: TTTTXTDL)

Để nâng cao chất lượng bánh tráng Mỹ Lồng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhiều hộ sản xuất đã chuyển sang dùng máy móc tự động thay thế đôi tay con người. Số hộ tráng bánh thủ công hiện nay còn rất ít. Với máy tự động tráng bánh, trong một giờ có thể tráng xong 100 lít gạo, trong khi tráng thủ công phải mất 4 giờ mới xong 10 lít gạo.

Bà Nguyễn Thị Bạch Lan, hộ sản xuất bánh tráng ở ấp Nghĩa Huấn cho biết: là một trong những hộ tiên phong ở địa phương với thâm niên gần 40 năm, cơ sở sản xuất bánh tráng của bà xuất lò hàng nghìn chiếc bánh tráng mỗi ngày. Cơ sở của bà Lan sản xuất theo đơn của khách hàng trong và ngoài nước, đa số là các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh...

Những phên bánh tráng dài thẳng tắp ở làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng (sưu tầm)

Theo báo cáo của UBND xã Mỹ Thạnh, hiện nay làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng có 221 hộ sản xuất bánh tráng, tập trung nhiều ở ấp Nghĩa Huấn với 135 hộ. Làng nghề đã hình thành Hợp tác xã với 105 xã viên, được Cục Sở hữu Công nghiệp công nhận nhãn hiệu độc quyền và Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Làng nghề tiêu biểu Việt Nam” năm 2008. Hàng năm, làng nghề sản xuất khoảng 120.000 thiên bánh tráng các loại, doanh thu trên 44 tỉ đồng, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Thấm đẫm tình quê Bánh phồng Sơn Đốc

Cũng như Mỹ Lồng, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc cũng được lấy tên từ địa danh Sơn Đốc thuộc xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm. Bánh phồng là loại bánh khi nướng lên phồng to gấp 3-4 lần so với khi chưa nướng. Làng nghề đã tồn tại hơn 100 năm qua, ban đầu nổi danh với bánh phồng nếp. Vị ngọt của nếp, mùi thơm của mè, vị béo ngậy của nước cốt dừa, đã đưa hương vị bánh phồng Sơn Đốc được biết đến nhiều hơn.

Chiếc bánh phồng được cán thủ công tại cơ sở bánh phồng nhà ông Võ Trung Hiệp, xã Hưng Nhượng (ảnh: TTTTXTDL)

Làm bánh tráng đã khó, làm bánh phồng lại càng khó vì nhiều công đoạn. Nếp làm bánh phồng là loại nếp sáp nổi tiếng của Bến Tre, gạo nếp được đồ thành xôi rồi giã nhuyễn cùng với đường cát, nước cốt dừa… Có dịp ghé thăm làng nghề Sơn Đốc vào những ngày cận Tết, tiếng chày giã lại càng rộn rã hơn vì người dân phải thức thâu đêm sản xuất. Ngày xưa, công đoạn giã bột thường là việc của đàn ông, thanh niên; ngày nay, khâu giã bánh phồng đã đỡ vất vả nhờ có sự hỗ trợ của máy móc.

Giã xong bột sẽ chuyển sang khâu bắt bột và cán bánh. Công đoạn cán bánh cũng được người dân chuyển sang hình thức cán bằng máy nhằm tăng năng suất và cho ra thành phẩm đẹp hơn, từ đó đáp ứng được nhu cầu của thị trường, gia tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm. Bà Cao Thị Xuân, Chủ cơ sở sản xuất bánh phồng ở ấp Hưng Hòa Đông, cho biết: Ngoài đầu tư máy móc cho sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bên cạnh loại gạo nếp truyền thống, người dân làng nghề còn nâng chất lượng bánh bằng việc sử dụng gạo nếp thượng hạng. Bên cạnh đó, thay vì lấy nước cốt dừa từ những trái dừa tơ, người thợ dùng trái dừa khô của cây dừa lão để cho ra loại nước cốt béo hơn, đậm vị hơn, bánh mới được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Làng nghề bánh phồng Sơn Đốc ngày nay (ảnh: sưu tầm)

Cũng như bánh tráng, khâu phơi bánh phồng rất được chú trọng. Nghề làm bánh tráng, bánh phồng luôn phải phụ thuộc vào thời tiết, nắng tốt thì phơi bánh đỡ vất vả, bánh sẽ chất lượng hơn, khi nướng không bị chai cứng. Bên cạnh đó, chiếc bánh muốn ngon phải được nướng trên bếp than hồng đỏ rực, bánh nướng khi chín mới thơm, xốp, ngon miệng.

Trong những năm gần đây, làng nghề bánh phồng Sơn Đốc còn sản xuất thêm bánh phồng mì pha bột nếp, bánh phồng mì dán chuối xiêm chín và bánh phồng đặc biệt - ngoài nước cốt dừa, đường, còn thêm sữa, trứng gà, sầu riêng hoặc mít… đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng.

Đa dạng sản phẩm bánh phồng Sơn Đốc (ảnh: TTTTXTDL)

Ông Lê Thành Lâm, Phó chủ tịch UBND xã Hưng Nhượng cho biết: “Hiện tại xã có 51 hộ sản xuất bánh phồng, tập trung ở ấp Hưng Bình, trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 25 triệu chiếc bánh phồng bán ra thị trường trong tỉnh và khu vực. Làng nghề đã có Hợp tác xã Bánh phồng Sơn Đốc với 20 xã viên. Địa phương đã hình thành các điểm đến tham quan, tìm hiểu làng nghề kết hợp sản phẩm du lịch địa phương để du khách trải nghiệm làm bánh, nướng bánh và tham quan nhà thờ La Mã”.

Cơ sở sản xuất bánh phồng nhà ông Võ Trung Hiệp, xã Hưng Nhượng (ảnh: TTTTXTDL)

Trải qua bao thế kỷ, bánh tráng Mỹ Lồng và bánh phồng Sơn Đốc vẫn giữ vững thương hiệu dù cho sự xuất hiện của biết bao loại bánh khác trên thị trường. Du khách đến làng nghề có thể tận mắt chứng kiến quy trình làm ra từng chiếc bánh, thưởng thức và mua về làm quà cho người thân. Hợp tác xã bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc đã có những cơ sở đạt chứng nhận OCOP, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, vươn xa thị trường tiêu thụ và thâm nhập vào kênh tiêu thụ ở các siêu thị, chợ, cửa hàng. Ngoài ra, có thể dễ dàng tìm thấy những chiếc bánh trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki… Khách mua bánh không chỉ là người trong tỉnh, trong nước mà còn có cả Việt kiều thương nhớ hương vị quê hương.

Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc đã trở thành niềm tự hào của người dân Xứ Dừa. Những chiếc bánh vừa thơm ngon béo ngậy, vừa chứa đựng tâm huyết và cái tình của những người thợ trong làng nghề. Hy vọng, hai làng nghề không chỉ tồn tại bền vững với thời gian mà còn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn nhiều du khách.

Trúc Giang

Related Post

Sample Plan

X

Notification