Hệ thống cồn bãi ven biển Bến Tre

30/12/2022 1983 0
​Bến Tre không chỉ hấp dẫn bởi du lịch sinh thái “Sông nước Xứ Dừa", mà còn có nhiều loại hình du lịch thu hút được ngày càng nhiều du khách đến khám phá. Với hệ thống gồm 9 cồn thuộc 3 huyện biển gồm: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, đây là nguồn tài nguyên du lịch phong phú góp phần phát triển hơn nữa cho loại hình du lịch mới - “Du lịch cồn Bến Tre" đang được nhiều du khách tìm đến để trải nghiệm.

Huyện Bình Đại chiếm số lượng lớn các cồn như cồn Nghêu, cồn Văn, cồn Kẽm, cồn Chày Mười và cồn Bà Tư.

Cồn Nghêu - cồn Văn với diện tích 270 ha, hơn 1600 nhân khẩu nằm trên địa bàn ấp Thừa Lợi, xã Thừa Đức, mang vẻ riêng của vùng đất ngập mặn. Đặt chân đến đây, du khách sẽ thấy bạt ngàn màu xanh của những ruộng dưa, sa sâm (sâm cát) do người dân địa phương canh tác hay những ruộng muối, sân nghêu … mênh mông, góp phần tạo nên nét đặc trưng cho nơi này.

CON - HT BAI CON VEN BIEN - 30122022 (1).png​​

CON - HT BAI CON VEN BIEN - 30122022 (2).png

Cánh đồng dưa và ruộng muối tại cồn Nghêu - cồn Văn. (Ảnh: TTTTXTDL)

Cồn Bà Tư thuộc dãy gồm 5 cồn của huyện Bình Đại, ban đầu có tên là cồn Trẹt. Cồn có diện tích khoảng 900 ha với hơn 1.200 nhân khẩu thuộc địa phận ấp Thới Thuận 2, xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, cách UBND xã 4 km.

Trãi nghiệm cồn Bà Tư, du khách sẽ được nghe những câu chuyện lịch sử về đất và người nơi đây, nhất là chuyện má Tư. Má Tư tên thật là Võ Thị Phò - một tấm gương tiêu biểu bám đất, giữ làng, nuôi quân của người dân Bến Tre nói chung và Thới Thuận nói riêng. Sau khi giải phóng miền Nam, anh em cán bộ hay nhắn hỏi nhau rằng “Có về cồn thăm má Tư không.". Bà được nhiều người quý mến gọi là má Tư, bà Tư. Dần dần, người dân địa phương gọi nơi đây là cồn Bà Tư.

Hiện nay, Homestay Cồn Bà Tư của anh Thảo và chị Linh là homestay duy nhất trên cồn, đến đây du khách sẽ được tham gia loại hình du lịch cộng đồng, hòa nhập với nét văn hóa địa phương; không chỉ hoà mình vào không gian yên ả đậm chất miền quê ven biển mà còn được tham gia các hoạt động khám phá, trải nghiệm không kém phần thú vị.

CON - HT BAI CON VEN BIEN - 30122022 (3).png

​Khung cảnh Homestay Cồn Bà Tư.  (Ảnh: Homestay Cồn Bà Tư)              

Nằm cạnh cồn Bà Tư là cồn Chày Mười và cồn Kẽm. Cồn Kẽm có diện tích khoảng 900 ha với hơn 1.300 nhân khẩu. Cồn còn rất hoang sơ, người dân trên cồn chủ yếu sống bằng nghề trồng dưa, xoài, làm muối, nuôi tôm, cá, nghêu, sò…Đến với cồn Chày Mười nằm cách UBND xã Thới Thuận khoảng 8 km, có thể đi bằng xe máy theo đường mòn hoặc đi bằng thuyền chạy dọc kênh Yến Hào. Cồn còn có các tên gọi khác như cồn Ngang, cồn Dưa hay cồn Ốc Viết. Trong số những cái tên trên thì cồn Chày Mười được sử dụng nhiều nhất để ghi nhận công lao của cụ ông tên thường gọi là Chày Mười - người đầu tiên có công khai phá vùng đất này. Hiện nay, cồn Chày Mười có diện tích khoảng 720 ha, và trên 240 nhân khẩu. Người dân trên cồn chủ yếu lên luống trồng dưa hấu. Điểm nổi bật nhất của cồn Chày Mười là bờ đê Ốc Viết với hàng triệu triệu con ốc xếp chồng lên nhau dọc bờ biển dày khoảng 1m, rộng 5m, kéo dài 7 km tạo nên một vẻ đẹp độc đáo có một không hai ở đồng bằng sông Cửu Long; đây là sản phẩm du lịch tiềm năng nếu được đầu tư và khai thác thì chắc chắn nơi đây sẽ là bãi tắm thú vị cho du khách trong và ngoài nước.

 Huyện Ba Tri sở hữu đường bờ biển dài hơn 20 km có cồn Hố, cồn Nhàn, và cồn Ngoài mang vẻ đẹp nguyên sơ của vùng biển phù sa. Cồn Hố có diện tích 145,7 ha thuộc ấp An Thới, xã An Thủy. Đây là vùng đất cù lao gắn liền với nhiều câu chuyện ly kỳ về các loài thú dữ như beo, cọp… chọn làm nơi trú ẩn, nên có tên là Cù lao Hổ mà sau này được người dân địa phương quen gọi là Cồn Hố. Cồn Nhàn nằm phía bên trong của cồn Ngoài, người dân canh tác hoa màu, trồng sắn, dưa...là chủ yếu, cả 2 cồn này thuộc địa phận của xã Bảo Thuận. Cồn Ngoài đặc biệt nổi bật so với cồn Hố và cồn Nhàn do có vị trí địa lý thuận lợi cho việc phát triển du lịch, là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tìm về thiên nhiên với biển và rừng cây ngập mặn. Trên cồn có điểm du lịch cồn Ngoài có đường bờ biển dài 6 km, tổng diện tích quy hoạch dành cho hoạt động du lịch 184,28 ha, trong đó đã đưa vào khai thác sử dụng là 10 ha, trong đó có 3 cơ sở ăn uống và 1 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ với 10 phòng phục vụ lưu trú cho khách du lịch.

CON - HT BAI CON VEN BIEN - 30122022 (4).png

Hình điểm du lịch Cồn Ngoài

Khi nói đến huyện Thạnh Phú không thể không nhắc đến cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 70 km, là điểm đến hấp dẫn cho du khách khi về thăm Bến Tre. Cồn Bửng có vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của những cánh đồng bằng phẳng, hoang sơ xen lẫn những giồng cát, vuông tôm ở hai bên đường, những dải rừng đước xanh mượt chắn gió bảo vệ cây trồng cho nông dân.

Cồn Bửng còn mang trong mình di tích lịch sử cấp quốc gia “Đầu cầu Tiếp nhận Vũ khí Bắc - Nam", được Bộ văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận ngày 23/12/1995. Tại đây, để tưởng nhớ và ghi công các chiến sĩ cách mạng đã hi sinh, UBND tỉnh đã khởi công xây dựng công trình “Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển" vào năm 2010, công trình nhằm kết nối quá khứ, hiện tại với tương lai để giáo dục truyền thống yêu nước và tưởng nhớ những chiến sĩ đã hi sinh.

CON - HT BAI CON VEN BIEN - 30122022 (1).jpg

Khu bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển

Nhìn chung, với hệ thống các cồn bãi ven biển nói riêng, các cồn thuộc tỉnh Bến Tre nói chung đã và đang tạo ra những lợi thế với nét đặc trưng đã và đang hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm cho du lịch Bến Tre./.

Trung tâm TTXTDL Bến Tre

Related Post

Sample Plan

X

Notification