Khai thác du lịch từ các giá trị văn hóa “dừa”

14/03/2024 625 0
Huyện Mỏ Cày Nam được mệnh danh là “Cái nôi” Đồng Khởi, cách thành phố Bến Tre 20km đường bộ. Huyện là trung tâm điểm của Cụm du lịch Cù lao Minh, liền kề với các huyện Thạnh Phú, Mỏ Cày Bắc, Chợ Lách. Bốn địa phương này đã hợp tác phát triển du lịch Cù Lao Minh với chủ đề “Du lịch từ sông ra biển”, đưa các sản phẩm của địa phương phục vụ hoạt động du lịch, đặc biệt là sản phẩm từ dừa được du khách yêu thích với những sản phẩm đem đến những trải nghiệm đầy thú vị với những rặng dừa xanh mát, tấm lòng chất phát, hiếu khách của bà con nơi miền sông nước Xứ Dừa khiến du khách tỏ ra thích thú khi tìm hiểu.

Chợ nổi dừa sông Thom - độc nhất vô nhị

Ngoài đường bộ, du lịch huyện Mỏ Cày Nam còn có thể đi tàu từ thành phố Bến Tre, ra sông Hàm Luông qua Vàm Nước Trong đến sông Thom. Tại đây nổi tiếng với Chợ nổi dừa sông Thom độc nhất vô nhị ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thuộc xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và một phần xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cảy Bắc. Đến đây, du khách sẽ tận mắt chứng kiến khung cảnh tấp nập ghe, thuyền đến giao thương, mua bán. Hai bên bờ sông là hình ảnh người dân trò chuyện, lao động tại các cơ sở chế biến và sản xuất ra các sản phẩm từ dừa: chỉ xơ dừa, thủ công mỹ nghệ dừa, dầu dừa, đất từ mụn dừa, … hàng hóa được xếp đầy trên các chuyến tàu di chuyển tấp nập. Tuy là hình ảnh bình dị thường ngày nhưng lại là nét cuốn hút đặc trưng của chợ nổi dừa sông Thom.

Ghe chở chỉ xơ dừa trên sông Thom (Ảnh: XTDL)

Chợ nổi dừa trên sông Thom là sản phẩm du lịch đặc thù không trùng lắp với những địa phương khác. Ngoài hoạt động giúp phát triển về kinh tế cho vùng mà còn thúc đẩy lĩnh vực du lịch. Nắm bắt được tiềm năng của Chợ nổi Dừa trên sông Thom, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Bến Tre đã đưa địa điểm này vào các tour, tuyến sinh thái nhằm phục vụ khách tham quan, khám phá kết hợp tìm hiểu những sản phẩm du lịch khác ở địa phương. Các chương trình du lịch tại đây được thực hiện trong 01 đến 02 ngày và kết hợp với các địa phương lân cận như Chợ Lách, thành phố Bến Tre hoặc di chuyển đến tỉnh Trà Vinh.

Vẻ đẹp từ làng nghề chỉ xơ dừa

Dọc hai bên bờ sông Thom là cơ sở sản xuất từ thủ công hoạt động sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng như dầu dừa, than gáo dừa, thảm, túi, chỉ xơ dừa… phục vụ cho cuộc sống hoặc xuất khẩu ra nước ngoài. Hoạt động trao đổi hàng hoá và làm việc từ sáng sớm đến tận chiều tối với các hoạt động quen thuộc như lột vỏ, nạo cơm dừa, tách và phơi chỉ xơ dừa...

Du khách sẽ được tìm hiểu từ người dân về cách làm chỉ xơ dừa. Trái dừa, sau khi thu mua về sẽ được lột vỏ, bỏ vào máy để lấy chỉ, sau đó chỉ được phơi nắng. Chỉ khô được đem phân phối cho các đại lý thu mua và se lại thành sợi chỉ. Từ chỉ xơ dừa, người ta sản xuất ra nhiều loại sản phẩm khác nhau như chỉ nệm, chỉ xơ cứng, thảm dệt, chiếu thảm, thảm trải sàn,… còn phần mụn thì làm đất sạch để trồng cây. Các sản phẩm này được xuất khẩu thường xuyên sang Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ,…

Tuy công việc của người dân rất vất vả nhưng trên môi lúc nào cũng nở nụ cười, tinh thần lạc quan, thân thiện, mến khách vì sản phẩm này không chỉ giúp người dân có nguồn thu nhập mà còn góp phần quảng bá hình ảnh xứ dừa đến với du khách trong và ngoài nước. Có thể nói, cây dừa và các sản phẩm từ dừa đi vào cuộc sống của người dân huyện Mỏ Cày Nam từ bao đời nay và gắn sâu vào đời sống mà không có gì thay thế được.

Đẩy mạnh phát triển tiềm năng du lịch

Vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, Coco Farm (một trong các điểm đến của huyện Mỏ Cày Nam) thu hút du khách với các sản phẩm du lịch đặc thù mang đậm văn hoá địa phương như: đạp xe đường làng, tham quan cơ sở làm dừa, khám phá và tìm hiểu tục dựng cây Nêu ngày tết tại Phủ thờ họ Trần,… mang phong tục cổ truyền mô tả chân thực đến với du khách.

Du khách nước ngoài tham quan tại cơ sở lột vừa (Ảnh: Coco farm)

Dựng cây Nêu ngày 24 Tết tại Phủ thờ họ Trần (Ảnh: T.P)

Du lịch homestay đang là sản phẩm giàu tính chân thực và độc đáo, gần gũi với cộng đồng, đồng thời, đây cũng là sản phẩm được khách quốc tế quan tâm và tìm hiểu nét văn hóa bản địa. Điển hình là Coconut Homestay và Coco Farm đang khai thác các thế mạnh từ cây dừa trong việc phát triển loại hình du lịch gần gũi với thiên nhiên, sử dụng các vật dụng sinh hoạt làm từ dừa, khám phá những trải nghiệm vùng đất mới còn nguyên sơ đang là xu hướng mới, được định hướng trong việc phát triển du lịch sinh thái xanh và bền vững trong tương lai.

Ẩm thực từ dừa phong phú

Về Mỏ Cày Nam, thích thú nhất là được tận mắt thấy quả dừa trên cây được hái xuống và chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Sự mộc mạc, hương vị đậm đà là điểm thu hút được người dân Bến Tre lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ khác, được đưa vào phục vụ du khách. Có thể nói, dừa Bến Tre đặc biệt hơn những vùng khác ngoài số lượng, chủng loại mà độ béo đậm đà hơn những vùng khác. Những món ăn có thể kể đến như: canh kiểm, tép rang nước cốt dừa, bánh canh ngọt nước cốt dừa, bánh lá mơ nước cốt dừa,… Đặc biệt, vào ngày 27/6/2022, UBND tỉnh Bến Tre tổ chức sự kiện chế biến và công diễn 222 món ăn từ dừa, đồng thời phá kỷ lục Việt Nam và xác lập kỷ lục thế giới; đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 2022). Những món ăn từ dừa thể hiện được giá trị ẩm thực của địa phương với hương vị béo ngọt đặc trưng, hương thơm nồng của dừa khó nơi đâu có được.

Tép rang nước cốt dừa (Ảnh: B.T)

Hiện nay, tuyến đường QL60 được nâng cấp khang trang, thuận lợi cho các tuyến đường từ Bến Tre đi liên tỉnh với tỉnh Trà Vinh hoặc tuyến nội tỉnh thành phố Bến Tre đi các huyện Chợ Lách, Thạnh Phú. Đường vào Di tích Quốc gia đặc biệt Đồng Khởi được đầu tư, nâng cấp các chợ, mua sắm phương tiện như: xuồng, tàu, xe phục vụ du khách. Các cơ sở kinh doanh du lịch, nhà hàng được đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, chất lượng phục vụ không ngừng được nâng cao.

Để khai thác hiệu quả tuyến du lịch Chợ Nổi dừa - sông Thom trở thành điểm nhấn du lịch của huyện Mỏ Cày Nam nói riêng và của tỉnh nói chung. Chính vì thế, huyện thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung xây dựng tuyến du lịch đến các ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động du lịch khai thác phát triển, quản lý dựa trên tài nguyên bản địa gắn với lợi ích của cộng đồng trên địa bàn thị trấn và các xã: Định Thủy, An Thạnh, Tân Hội, Đa Phước Hội, Thành Thới B.

Với những tiềm năng hiện có, trong thời gian tới, huyện định hướng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư đến những giá trị về truyền thống và giá trị văn hoá chủ yếu từ cây dừa. Sử dụng tài nguyên thiên nhiên phát triển du lịch cộng đồng hợp lý mang tính đặc thù, thỏa mãn nhu cầu du lịch ngày càng cao của con người, khai thác theo hướng tích cực để kêu gọi hợp tác đầu tư. Nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch của cộng đồng dân cư, giải quyết việc làm tại địa phương. Kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án khai thác du lịch mang tính bền vững, các khu vui chơi, mua sắm, giải trí,… kéo dài thời gian lưu trú và khắc phục tính thời vụ trong du lịch để trở thành tâm điểm của du lịch Cụm cù lao Minh.

Với những giá trị văn hoá vùng hiện có của huyện Mỏ Cày Nam cùng với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo từ huyện đến tỉnh, hy vọng thời gian tới, huyện sẽ có những thay đổi mạnh mẽ hơn phù hợp với những định hướng văn hoá địa phương, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước./.

Bảo Trâm

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo