Thúc đẩy du lịch trên sông vùng ĐBSCL

22/04/2024 966 0
Tiềm năng du lịch đường sông ở vùng ĐBSCL là rất lớn nhưng cần kết nối đồng bộ để thu hút du khách

Đây là ý kiến được nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) chia sẻ tại tọa đàm "Chuyện của những dòng sông và kết nối vùng" do Báo VietNamNet tổ chức. Tọa đàm là một trong những hoạt động của hành trình khám phá sông Mê Kông qua Tiền Giang, Bến Tre trên tàu La Marguerite, từ ngày 19 đến 21-4.

Quá nhiều tiềm năng

Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch Công ty Focus Travel, chủ đầu tư tàu La Marguerite, cho biết sông Mê Kông là 1 trong 5 điểm đến bằng đường sông yêu thích nhất trên thế giới. Nhiều năm qua, du thuyền của công ty đã đưa khách du lịch trong nước và quốc tế đi khám phá dòng sông Mê Kông với hành trình tour khoảng 8 ngày 7 đêm từ Mỹ Tho (Tiền Giang) tới Siem Reap (Campuchia). Có điều, trong hành trình này, tàu ở khu vực Campuchia nhiều hơn Việt Nam.

"Tôi rất xót xa khi tàu chạy gần 5 ngày ở Campuchia, trong khi chỉ chạy khoảng 3 ngày ở Việt Nam. Nguyên nhân do nhiều điểm đến ở ĐBSCL chưa được khai thác dù những nơi này có đầy đủ câu chuyện, tư liệu quý để làm du lịch. Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) hay lò gạch ở Vĩnh Long nếu có thể dừng sản xuất và chuyển sang sản phẩm du lịch sẽ vô cùng hấp dẫn" - ông Hiếu nói.

Một thực tế buồn khác theo ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Saigon WaterBus, là những con tàu du thuyền đẹp như La Marguerite hay những trải nghiệm sông nước ở nhiều nơi chủ yếu là khách quốc tế, trong khi khách Việt rất ít. Trong khi đó, phát triển du lịch sông nước sẽ thúc đẩy những ngành nghề kinh tế khác.

Theo số liệu mới được công bố tại Diễn đàn liên kết phát triển du lịch vùng TP HCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL năm 2024, lượng khách quốc tế đến khu vực này năm 2023 chưa cao.

Cả vùng chỉ đón hơn 2,1 triệu lượt khách quốc tế trong bối cảnh chính sách thị thực thông thoáng hơn, cấp thị thực điện tử cũng được áp dụng... Điều này cho thấy du lịch vùng ĐBSCL trong đó có du lịch trên sông chưa phát triển như kỳ vọng.

Ông Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế số và Công nghệ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Mỹ tại Việt Nam (Amcham), nói khi nhắc tới vùng ĐBSCL là nhắc tới các loại thủy hải sản và trái cây miệt vườn sông nước.

Tuy nhiên, liên kết vùng của khu vực này vẫn yếu khi các làng nghề đang ngày càng mai một, thậm chí là "chết dần", kinh tế bản địa của địa phương cũng bị ảnh hưởng. Do đó, để thúc đẩy du lịch cần đầu tư cho các di sản văn hóa, làng nghề, vừa thúc đẩy kinh tế nhưng vừa phải duy trì di sản của địa phương.

Chuyến đi khám phá Mê Kông trên tàu La Marguerite

Kết nối để đầu tư xứng tầm

Các chuyên gia và DN đều nhất trí rằng tiềm năng về du lịch vùng ĐBSCL, nhất là du lịch trên sông rất lớn nhưng lại đang có sự thiếu kết nối không chỉ về mặt thời gian mà cả không gian. Khách đến tỉnh nào ở khu vực này cũng thấy giống nhau, bến tàu nào cũng na ná.

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký CLB Du thuyền Thủ Đức, cho rằng thời điểm này đang có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch trên sông, đánh thức tiềm năng sông nước BĐSCL.

Theo các chuyên gia, điều cần làm lúc này là phải phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa đặc trưng bản địa. Bên cạnh đó, nhà nước, địa phương cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích khởi nghiệp du lịch, tạo điều kiện kinh doanh du lịch thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lượng khách du lịch đến với vùng. Ngoài ra, cần phải đầu tư vào các sản phẩm du lịch gắn với chiều sâu văn hóa và những câu chuyện của vùng đất này.

Để du lịch đường sông ở vùng ĐBSCL hấp dẫn hơn, ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Du lịch Chim Cánh Cụt, góp ý cần thêm nhiều hoạt động trải nghiệm trên sông gắn với cuộc sống của người dân bản địa. Tại từng làng nghề truyền thống, khách có thể trải nghiệm thực tế làm bánh, bó chổi, làm chiếu...

"Thay vì chỉ làm cho vui, khách có thể trải nghiệm sâu hơn như tự gói bánh, nấu bánh và thưởng thức chính cái bánh đó. ĐBSCL nổi tiếng với đình làng, nhà cổ có kiến trúc độc đáo cũng có thể đưa khai thác sâu để gia tăng thêm sản phẩm, trải nghiệm mới mẻ cho du khách" - ông Duy nói.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch tỉnh Bến Tre, đồng tình với các ý kiến rằng phát triển du lịch ven sông sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Theo bà Dung, không chỉ Bến Tre mà các tỉnh, thành ĐBSCL cũng mong muốn thu hút thêm nhiều nhà đầu tư cùng chung tay. Bởi, hiện tại có nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ, làng nghề làm bánh dừa… sẵn sàng đón khách.

"Nếu có nhà đầu tư và được đầu tư xứng tầm về phát triển hạ tầng cảng biển, bến tàu những nơi này sẽ thu hút thêm nhiều du khách. Khi đó, không chỉ các làng nghề sẽ sống lại mà sản phẩm du lịch cũng hấp dẫn hơn, chạm tới cảm xúc của du khách. Từ đó, người dân địa phương cũng được hưởng lợi" - bà Ngọc Dung nói.

Tôn trọng sự hài hòa

Theo chuyên gia du lịch Trương Hoàng Phương, trong câu chuyện đầu tư để xây dựng sản phẩm du lịch cho vùng đất ĐBSCL cần lưu ý đến yếu tố hài hòa về môi trường thiên nhiên và con người, không vì phát triển du lịch mà bỏ đi yếu tố văn hóa bản địa, thiên nhiên.

"Dứt khoát không đưa những giá trị ngoại lai vào, bởi như vậy sẽ làm mai một hoặc biến mất cả văn hóa. Như chợ nổi Phong Điền trước đây rất nổi tiếng nhưng sau khi quy hoạch thị trấn Phong Điền thì chợ này không còn" - ông Phương nói.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo