Ngành du lịch đồng bằng sông Cửu Long tăng cường liên kết với các tỉnh, thành miền Trung

21/08/2023 890 0
(TITC) - Chiều 18/8, tại thành phố Đà Nẵng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL với các tỉnh, thành miền Trung nhằm liên kết, hợp tác phát triển du lịch.

Tham dự hội nghị có Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu; Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan; Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Chí Cường; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Nguyễn Quỳnh Thiện; Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường cùng lãnh đạo các cơ quan quản lý du lịch các địa phương, các doanh nghiệp du lịch từ miền Trung và các tỉnh ĐBSCL…

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết: ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, có diện tích khoảng 40.640 km2, chiếm khoảng 12,3% diện tích cả nước, dân số khoảng hơn 17 triệu người, gồm 01 thành phố và 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

ĐBSCL thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây còn là "vùng cực Nam - Thành đồng của Tổ quốc", cửa ngõ phía Tây Nam của đất nước.

Với những đặc trưng riêng, ngành du lịch ĐBSCL từng bước được đầu tư phát triển gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn, phát huy văn hóa bản địa giúp cho du khách có nhiều trải nghiệm và thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên. Trong đó, loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, biển đảo, MICE, văn hóa - lịch sử, tâm linh, cộng đồng, nông nghiệp… là sản phẩm đặc trưng và thu hút khách du lịch của vùng ĐBSCL.

Ông Trần Chí Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, miền Trung - Tây Nguyên và ĐBSCL là hai thị trường khách du lịch lớn của cả nước với những đặc trưng vùng miền riêng biệt, có những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc sắc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Sau những ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc khôi phục hoạt động du lịch đang là mục tiêu trọng tâm của các tỉnh, thành trên cả nước. Hơn lúc nào hết, việc liên kết xúc tiến du lịch giữa các địa phương cần được quan tâm và triển khai một cách hiệu quả, thiết thực.

"Đà Nẵng hy vọng các cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp dịch vụ, du lịch miền Trung và khu vực ĐBSCL sẽ hiến kế, đưa ra những ý tưởng hợp tác, chia sẻ những kinh nghiệm, chính sách để hình thành các sản phẩm du lịch mới đa dạng, đặc sắc hơn nữa cũng như cùng nhau thúc đẩy phát triển du lịch, trao đổi khách giữa hai khu vực. Đà Nẵng cam kết luôn ủng hộ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp du lịch kết nối, kinh doanh, hợp tác phát triển kinh tế, du lịch” - ông Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Đại diện Hiệp hội Du lịch ĐBSCL Trần Việt Phường chia sẻ, mặc dù có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển, tuy nhiên, du lịch ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành cũng như các vùng miền trong cả nước. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn có những hạn chế. Do đó, các tỉnh, thành ĐBSCL rất chú trọng đến công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và kết nối với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là đối với thị trường du lịch tại miền Trung để liên kết phát triển du lịch.

Hiện nay có 2 hãng hàng không cung cấp chặng bay từ Cần Thơ đi Đà Nẵng mỗi ngày là Vietnam Airlines và Vietjet làm cho ĐBSCL gần hơn với các tỉnh, thành miền Trung. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch ĐBSCL kết nối thị trường du lịch với các tỉnh, thành miền Trung.

"Các tỉnh, thành ĐBSCL giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, các điểm đến, dịch vụ du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng ĐBSCL với mong muốn được kết nối với các doanh nghiệp lữ hành tại các tỉnh, thành miền Trung. Qua hội nghị, các tỉnh, thành miền Trung và các tỉnh, thành ĐBSCL sẽ xích lại gần nhau hơn; liên kết, hợp tác trong quảng bá, xúc tiến du lịch; kết nối tổ chức các hoạt động, sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch liên vùng; có chính sách ưu đãi, kích cầu du lịch giữa ĐBSCL và các tỉnh, thành miền Trung để thu hút khách du lịch...", ông Trần Việt Phường nói.

Chia sẻ tại hội nghị, lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành miền Trung cho rằng: ĐBSCL có sản phẩm du lịch rất khác biệt và hấp dẫn đối với du khách các tỉnh miền Trung nhưng việc kết nối quảng bá, phát triển dịch vụ giữa hai vùng còn rất hạn chế. Vì vậy trong thời gian tới hai vùng cần đẩy mạnh việc hợp tác quảng bá sản phẩm du lịch; mỗi tỉnh, thành ĐBSCL gắn với một sự kiện nhằm tăng liên kết và trao đổi khách.

Theo đại diện các doanh nghiệp, mặc dù các tỉnh ĐBSCL đã nỗ lực tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù nhưng vẫn không tránh khỏi sự trùng lặp bởi có sự tương đồng về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, thậm chí là văn hóa. Do đó, muốn phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương cần được đặt trong bối cảnh liên kết vùng để xây dựng sản phẩm du lịch cho cả vùng, tiểu vùng. Điều này sẽ giúp cho mỗi địa phương nghiên cứu, chọn lựa để tập trung tạo ra sản phẩm du lịch gắn với “giá trị văn hóa” riêng biệt.

✍️https://vietnamtourism.gov.vn/post/51873

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo