Điểm tham quan về nguồn tại Mỏ Cày Nam

30/05/2023 1701 0
Bến Tre có 3 dãy cù lao (cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa). Huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Chợ Lách nằm trên vùng đất cù lao Minh. Trước đây qua cù lao Minh phải “lụy phà, lụy đò”. Năm 2010, cầu Hàm Luông khánh thành nối liền đôi bờ cù lao Minh và Bảo xuyên suốt một mạch giao thông bộ. Từ thành phố Bến Tre đến trung tâm huyện Mỏ Cày Bắc khoảng 20km, Mỏ Cày Nam 21km, Thạnh Phú 48 km và Chợ Lách 41 km.

Chẳng biết tự bao giờ ai cũng bảo hễ đi đâu “Thấy dừa thì nhớ Bến Tre”. Và cù lao Minh là vùng đất có diện tích trồng dừa lớn nhất tỉnh, xen lẫn những cánh đồng lúa, những ruộng mía, những vườn cây ăn trái và có cả một phần đất biển. Thiên nhiên đã ban tặng cho cù lao này hai dòng sông lớn: Hàm Luông và Cổ Chiên, đã ôm ấp, bao bọc, vun đắp phù sa qua nhiều thế kỷ, làm cho cây trái vùng này oằn sai trĩu quả, nhất là rừng dừa mãi mãi tốt tươi với những rặng dừa cao vút, rễ bám sâu vào đất mẹ, để dẻo dai trước bão giông, quật cường cùng con người trong đấu tranh và xây dựng. Từ đỉnh cầu Hàm Luông nhìn về hướng cù lao Minh ta sẽ thỏa sức ngắm nhìn với rừng dừa bạt ngàn xanh biếc đứng hiên ngang với những vườn cây ăn trái.

Về xứ dừa Bến Tre sang cù lao Minh và ghé qua huyện Mỏ Cày Nam có thể chọn tham quan, khám phá, trải nghiệm tại những điểm đến, điểm hẹn về nguồn như:

Di tích Đồng Khởi và đình Rắn:

Ảnh tham quan khu di tích Đồng Khởi

Có thể khẳng định đây là điểm hẹn về nguồn lý tưởng nhất. Từ thành phố Bến Tre qua cầu Hàm Luông theo quốc lộ 57, đến thị trấn Mỏ Cày Nam, rẽ trái khoảng 04km là đến khu Di tích Đồng Khởi. Hoặc có thể từ thành phố Bến Tre, vượt sông Hàm Luông đến tận trung tâm cái nôi Đồng khởi. Đến đây, du khách sẽ gặp những người dân đôn hậu, những con người đã "bám chặt quê hương", đã đứng lên "dựng những pháo đài" ở xã Định Thủy, nơi đã làm nên cuộc Đồng Khởi năm xưa trên đất xứ dừa. Di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhân di tích cấp Quốc gia vào ngày 07/01/1993. Và khu Di tích Đồng Khởi được xây dựng trên một diện tích 5.000 m2, gồm một trệt, một lầu. Trên nóc nhà là một ngọn lửa được cách điệu bằng bê tông cốt thép cao 12m, màu đỏ - biểu tượng của ngọn lửa Đồng Khởi cháy sáng mãi trên xứ dừa. Bên trong là những gian trưng bày những hiện vật, nhân vật, hình ảnh, biểu đồ, những vũ khí tự tạo để đánh địch …. Chung quanh ngôi nhà là những thảm cỏ xanh, sân rộng, những bồn hoa và cây cảnh, làm tăng thêm vẻ đẹp của khu di tích.

Ảnh Khách tham quan Đình Rắn, xã Định Thủy

Tại Định Thủy còn có đình Rắn, cũng là di tích lịch sử, nhưng còn ít người biết đến với huyền thoại đầy bí ẩn. Theo địa chí Bến Tre, năm Minh Mạng thứ 5 thì đình được nhận sắc phong. Vào thời đó đất đai ở đây còn hoang hóa mênh mông và nằm trên một khoảnh đất cao, vì thế rắn độc tụ hội rất nhiều, nhiều hang ăn sâu vào giữa đình. Khi thờ cúng, các chức việc trong đình phải lấy ván bao quanh miệng hang để tránh sự cố xảy ra, từ đấy có tên “Đình Rắn”. Nhiều người còn kể rằng, cũng nhờ có “ông rắn” mà bọn tề, ngụy, việt gian tối đến không bao giờ dám bén mảng tới nơi này. Nên kể từ sau Cách mạng tháng Tám, “Đình Rắn” là một trong những cơ sở cách mạng bí mật để hội họp, mít tinh. Lúc bấy giờ nữ tướng Nguyễn Thị Định là một trong những người thường xuyên lui tới đây để chỉ đạo phong trào cách mạng ở Miền Nam. Đến năm 1970, cuộc chiến càng lúc lan rộng, bom đạn Mỹ đánh phá ác liệt, đình gần như bị sập hoàn toàn nên cơ sở cách mạng ở đây được chuyển đi nơi khác.

Đến Định Thủy mọi người còn khám phá du lịch sinh thái “Vàm Nước Trong”, cửa ngõ đường thủy của huyện Mỏ Cày Nam nối với sông Hàm Luông. Với những vườn dừa rợp bóng, những bãi bờ hoang sơ tĩnh lặng, nơi đây đã từng ghi dấu những chiến công vang dội của những người anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Đến đây, mọi người có dịp lai rai đặc sản mắm tép kẹp với thịt ba rọi luộc hoặc ăn với cá lóc nướng trui hay tôm, tép nướng; cá ngát nấu chua với bần dốt; bánh bột gạo rau mơ hấp; bánh xèo, bánh khọt pha với nước cốt dừa, thơm béo vô cùng. Điều du khách không thể bỏ qua là sự chân tình, mến khách, yêu thích văn hóa - văn nghệ của người dân Định Thủy, du khách cùng thưởng thức đờn ca tài tử và có thể giao lưu loại hình này bên dòng Hàm Luông thơ mộng rợp bóng dừa xanh.

Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh:

Ảnh Chùa Tuyên Linh, xã Minh Đức

Rời Di tích Đồng Khởi, trở lại tuyến QL 57 đến “Di tích lịch sử Chùa Tuyên Linh” tọa lạc tại xã Minh Đức. Từ thị trấn Mỏ Cày Nam đến Chùa Tuyên Linh khoảng 14 km, Chùa được xây dựng từ năm 1861 (Tân Dậu), dưới triều Tự Đức năm thứ 14. Năm 1930 nhân dịp chùa được trùng tu, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đổi tên Tiên Linh tự thành Tuyên Linh tự. Từ đấy chùa được gọi bằng tên mới “Tuyên Linh”. Nơi đây đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử đáng chú ý như: vào khoảng cuối năm 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh một thời gian. Cụ Phó bảng được sự bảo bọc, giúp đỡ của Hòa thượng Lê Khánh Hòa, trong thời gian lưu trú tại chùa, đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Và kể từ khi Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, Hòa thượng Lê Khánh Hòa đã động viên các nhà sư và tín đồ Phật giáo trong tỉnh tham gia vào các hoạt động cách mạng và kháng chiến. Hay trong những năm trước Đồng khởi, trong thế kìm kẹp khắc nghiệt của Mỹ, Diệm, chùa Tuyên Linh, vẫn là nơi có phong trào cách mạng mạnh. Các cơ quan Huyện ủy Mỏ Cày và Tỉnh ủy Bến Tre đã từng trú đóng tại đây trong sự đùm bọc của nhân dân và tín đồ đạo Phật giáo giữa những ngày khó khăn nhất của cách mạng. Di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận di tích Quốc gia ngày 20/7/1994.

Đến Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc du khách còn được hướng dẫn tham quan cơ sở sản xuất chỉ sơ dừa, se chỉ sơ dừa, dệt thảm sơ dừa… và cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ làm từ chất liệu dừa, sản xuất kẹo dừa…

Pha Linh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo