Đình Chùa Bà - Di tích lịch sử văn hóa tâm linh

05/03/2023 2094 0
Đình Chùa Bà tọa lạc tại khu phố 4, thị trấn Mỏ Cày có tổng diện tích 2764.8m2, diện tích xây dựng 386 m. Xưa kia đình Chùa Bà là đình làng Đa Phước (trong hiện vật của đình còn lưu giữ lại hoành phi và liễn đối của làng Đa Phước ngày trước), nguồn gốc của đình Chùa Bà ban đầu (đình Đa Phước và Chùa Bà). Đến năm 1982, chùa Bà được đưa vào thờ cúng chung với đình làng Đa Phước, từ đó đình có tên gọi Đình Chùa Bà đến bây giờ.

Ảnh Đình Chùa Bà Thị trấn Mỏ Cày

Qua lời kể các vị trong Ban khánh tiết, Chùa Bà (Miếu Hai Bà) gắn liền với một huyền sử thời nhà Nguyễn. Người dân lưu truyền rằng, vào năm 1785, chúa Nguyễn Ánh trên đường vào Nam để chờ quân cứu viện của Xiêm La giúp ông đánh lại quân Tây Sơn, quân lính của Nguyễn Ánh đã bị đánh bại ở Định Tường, nên ông phải gom số quân còn lại vượt biển chạy sang Vọng Các (tên gọi của thủ đô băng Cốc, Thái Lan ngày trước) để nương náu. Trong lúc thuyền lênh đênh giữa dòng sông huyện Kiến Hòa, thời tiết nắng bất ngờ nổi giông gió, mây đen che kín vùng trời, làm buồm và bánh lái bị đứt, thuyền không di chuyển được. Mai thay, lúc đó có một chiếc ghe nhỏ hai người phụ nữ đi buôn tơ. Họ đã dùng cuộn tơ trắng làm dây cột buồm và bánh lái. Sau khi lên ngôi, chúa Nguyễn Ánh lấy niên hiệu là Gia Long. Nhớ ơn cứu giúp của hai người phụ nữ bán tơ, vua Gia Long cho lệnh lập miếu thờ hai bà tại làng Đa Phước.

 Nên được gọi Đình Chùa Bà được xây theo kiểu kiến trúc chữ nhị (). Hiện nay vẫn còn lưu giữ được bộ mái ngói vảy cá có nguồn gốc từ ngày xây dựng, trên mái có đường bờ nóc chạy suốt chiều dài mái và bốn đường diềm mái. Trên bốn đầu đao trang trí kỳ lân bằng sứ tráng men thiên thanh. Bên trái gian tòa trung còn giữ lại một cái chuông đồng có niên đại lâu đời. Chuông ngày trước được đặt ở Chùa Bà, sau đó được đưa về Đình Đa Phước.

Vào thế kỉ XIX đến nay đã qua nhiều lần tu sửa để đứng vững trước thay đổi của thời tiết nên phần tường bên ngoài đã được thay bằng lớp vữa tô chắc chắn để bảo vệ phần kết cấu nguyên bản bên trong. Kiến trúc đình là sự hài hòa giữa nét hiện đại Tây phương và cổ kính phương Đông. Ở giữa phía trên có khắc con số 1923 – niên đại của tấm hoành phi.

Thuở trước cộng đồng người Hoa đến Mỏ Cày Sinh sống, nghe sự tích cứu giúp vua Gia Long của hai Bà bán tơ có nét tương đồng với hình ảnh Thiên hậu cứu nạn chúng sinh trên biển, nên đã đóng góp tiền của, sức người để xây dựng, trùng tu lại Chùa Bà. Sau đó, họ thỉnh Thiên Hậu vào thờ tự chung với hai Bà của người Việt. Do đó, khi nhân dân đến cúng viếng đình đều thực hiện các nghi lễ cũng như tục lệ cúng như nhau. Đình Chùa Bà diễn ra hai lệ cúng quan trọng: lễ Hạ điền (15 tháng 3 âm lịch) và lễ vía Bà (nhằm ngày 17 tháng 7 âm lịch). Đình còn là nơi giao lưu, gắn kết trao đổi văn hóa cộng đồng người Việt và Hoa, tại đình thường tổ chức và mời đoàn hát về để trình diễn lại tích cứu giúp vua của hai Bà và những tiết mục hát bội khác để phục vụ bà con địa phương.

Đình Chùa Bà mang một giá trị văn hóa vật thể quý giá thuần Nam bộ của tỉnh nhà. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị vật thể, việc lưu giữ tiếp nối các giá trị tinh thần thuộc về di tích Đình Chùa Bà vẫn được chính nhân dân địa phương gìn giữ qua nhiều thế hệ./.

Mạnh Cường

(Nguồn trích thông tin từ lý lịch di tích lịch sử văn hóa Đình Chùa Bà)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo