Du lịch huyện Thạnh Phú - Bến Tre: Định hướng và phát triển

06/10/2022 1458 0
Trong những năm gần đây, du lịch tại huyện Thạnh Phú nói riêng và Bến Tre nói chung đang ngày càng phát triển. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre đã xây dựng Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 20/7/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với mục tiêu phát triển đa dạng các loại hình du lịch Xứ Dừa.

Là một trong 3 huyện duyên hải và nằm ở phía Nam của tỉnh Bến Tre, Thạnh Phú có nhiều những cánh đồng bằng phẳng xen kẽ với những giồng cát và những khu rừng ngập mặn. Là huyện nằm ở cuối dòng sông Cửu Long, đất đai phần lớn bị nhiễm mặn lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân thường gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, Thạnh Phú vẫn không ngừng chú trọng đến lĩnh vực du lịch và tích cực triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch xã Thạnh Phong và xã Thạnh Hải giai đoạn đến năm 2030.

image001.png 

 Các du khách chụp ảnh  trước Bia tưởng niệm Nơi xuất quân Tiểu đoàn 307) (Ảnh: TT.TTXTDL)

Tận dụng những lợi thế sẵn có, du lịch huyện Thạnh Phú đã từng bước khởi sắc và đầy tiềm năng. Hiện nay, toàn huyện có 27 cơ sở lưu trú với trên 120 phòng và có khả năng đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm. Năm 2019, tổng lượng khách đến huyện đạt 501.900 lượt; mỗi năm huyện có khoảng 1.000 lao động được tạo việc làm từ các hoạt động du lịch. Đồng thời, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được triển khai tích cực hơn.

Một trong những di tích kiến trúc nổi bật thu hút nhiều du khách là Di tích kiến trúc nghệ thuật Nhà Cổ Huỳnh Phủ (Hương Liêm) và Khu Mộ. Nhà cổ Hương Liêm hay là nhà cổ Đại Điền được xây dựng cách đây hơn 100 năm, là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ rất độc đáo, đẹp và nổi tiếng trên vùng đất cù lao Minh của Bến Tre.

Xuôi về xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú du khách sẽ đến với biển Cồn Bửng. Đây là một bãi biển còn hoang sơ với những hàng phi lao xanh tươi và nhiều nhà hàng, quán ăn phục vụ du khách bởi các món hải sản tươi sống như: nghêu, tôm, cua, sò, ghẹ,…với giá cả rất phải chăng. Ngoài ra, du khách có thể tham quan Di tích Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc – Nam (Đường Hồ Chí Minh trên biển), vườn nho Bảy Thiết, Lăng Ông Nam Hải, hàng cây Sáu Đấu cùng các làng nghề truyền thống như làng nghề bó chổi, làng nghề bánh dừa Giồng Luông,…

image003.png 
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại Hàng cây Sáu Đấu, huyện Thạnh Phú (Ảnh: TT.TTXTDL)

Hoạt động du lịch tại huyện Thạnh Phú tuy đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa khai thác hết những tiềm năng của địa phương. Cơ sở hạ tầng du lịch của huyện còn chưa đồng bộ, các điểm du lịch chưa thật sự liên kết và chưa tạo thành các tour, tuyến. Ngoài ra, cơ chế quản lý đất rừng, dịch vụ môi trường rừng chưa được phân cấp rõ ràng nên gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Huyện đang xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2025 – tầm nhìn năm 2030.

Hiện nay, thương hiệu “Du lịch sinh thái Xứ Dừa" tại tỉnh Bến Tre đã dần trở nên ấn tượng và quen thuộc với nhiều du khách. Huyện Thạnh Phú có lợi thế về kinh tế biển và rừng ngập mặn nên việc xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu riêng của huyện lấy việc phát triển du lịch biển kết hợp trải nghiệm các hoạt động ở rừng ngập mặn là điều rất cần thiết. Đặc biệt, du lịch cộng đồng gắn với nông ngư nghiệp, đưa du khách tham quan các vuông tôm, rẫy sắn, vườn nho, vườn xoài,…và hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương sẽ làm cho du khách cảm thấy mới mẻ và thích thú hơn.

Trong tương lai không xa, du lịch tại huyện Thạnh Phú sẽ ngày càng có thêm nhiều tour, tuyến từ sông ra biển gắn kết với các huyện của Bến Tre và với các tỉnh lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long./.

Tường Vi

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo