Điểm sáng du lịch Bình Đại - Cù lao Tam Hiệp

30/06/2021 3166 0

Bình Đại là một trong ba huyện biển của tỉnh Bến Tre, được du khách biết đến với những điểm tham quan, trải nghiệm nông nghiệp biển và tâm linh khá thú vị như: di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Đình Long Phụng, chùa Vạn Phước, cống đập Ba Lai, bãi biễn Thừa Đức, bãi biển đê ốc viết Thới Thuận, khu du lịch Sinh thái Đê Đông, ruộng muối, làng nghề chế biến cá khô…Ngoài ra, khách du lịch trong và ngoài nước cũng yêu thích các tuyến tham quan sông nước và trải nghiệm ngủ nhà dân trên các cồn, cù lao của huyện nhà.   

Nằm giữa sông Tiền, Tam Hiệp là xã cù lao thuộc huyện Bình Đại, diện tích khoảng 1.300ha với hơn 1.000 hộ dân. Người dân ở đây chủ yếu trồng cây nhãn và bưởi da xanh trên vùng đất phù sa màu mỡ cũng như chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng bè, cá da trơn. Cách thành phố Bến Tre khoảng 12km theo hướng đông bắc du khách đến trung tâm xã Long Định và xã Phú Thuận là có thể tiếp cận cù laoTam Hiệp qua bến đò Long Định hay bến phà Phú Thuận - Tam Hiệp.

Cù lao Tam Hiệp được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan sông nước hữu tình, đường làng rợp bóng cây dẫn đến những vườn nhãn hữu cơ nổi tiếng của huyện, cùng các sản phẩm OCOP nhản và tắc sấy; cơ sở làm bánh hỏi truyền thống của người dân địa phương đất cồn.


Homestay Út Trinh trên Cù lao Tam Hiệp (ảnh T.D.)

Từ giữa năm 2019, một số hộ nông dân nơi đây đã tổ chức đón khách quốc tế tham quan trải nghiệm đời sống sinh hoạt, làm nông và nghỉ dưỡng, hòa nhập với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành và ngủ lại nhà dân (homestay) trên cồn. Đây có thể được coi là sản phẩm du lịch mới của năm 2020 cùng những điểm đến của mô hình du lịch nghỉ dưỡng trên cồn, cù lao của xứ Dừa Bến Tre với các hoạt động như: Chèo xuồng trong rạch dừa nước, đi xe đạp tham quan vườn nhãn, bưởi da xanh, vườn Sâm lá (sương sâm) và đặc biệt là ẩm thực với các món ăn đặc sản như tôm luộc nước dừa, các món ăn chế biến với sự kết hợp nguyên liệu từ dừa,… sẽ làm hài lòng du khách.

Hiện nay, chương trình du lịch thường được thực hiện từ thành phố Bến Tre hay từ huyện cửa ngỏ Châu Thành đến xã Phú Thuận hoặc Long Định. Du khách tham quan Đình Long Phụng, Đình Long Thạnh di tích cấp quốc gia, Chùa Thiên Thọ; qua phà Phú Thuận - Tam Hiệp, rẽ trái đi về phía đầu cồn, viếng chùa và thăm mái ấm Đức Quang nơi nuôi dạy trẻ mồ côi, cơ nhở. Tiếp tục đạp xe trên đường quê thăm vườn nhãn Ông Hồ văn Hải, vườn bưởi Ông Nguyễn Ngọc Ẩn và phòng chẩn trị Y học cổ truyền từ thiện. Tham quan, trải nghiệm hái lá sâm nhà anh Cường (sương sâm) 0.5ha, nhiều du khách nước ngoài đến và vô cùng thích thú khi lạc vào khu vườn lá sâm độc đáo, được ăn thử món lá sâm dân dã của người miền Tây. Dừng chân nhà anh Thành nuôi ong mật, thưởng thức trái cây, uống trà mật ong. Chiều đến du khách ngắm hoàng hôn trên sông Tiền, tham gia nấu ăn tối cùng chủ nhà và ngủ đêm homestay Út Trinh và homestay anh Bảy tại cồn.

Ngoài ra, từ Cù lao Tam Hiệp với tầm nhìn hợp tác trong cụm Du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long việc xây dựng sản phẩm du lịch liên kết với tỉnh Tiền Giang theo tuyến du lịch Tầm Vu, Chợ Gạo và du thuyền trên sông Tiền đến tham quan và nghỉ dưỡng tại cồn Tam Hiệp là rất khả thi và độc đáo.


Du khách trải nghiệm hái lá sâm (sương sâm) nhà anh Cường (ảnh T.D.)

Xác định được thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng cồn Tam Hiệp kết nối cụm di tích các xã Long Định và Phú Thuận, huyện Bình Đại đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch khảo sát, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn người dân địa phương từng bước phát triển du lịch Cồn Tam Hiệp theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp hữu cơ, du lịch nghỉ dưỡng trên mảnh đất này.


Lớp tập huấn nấu ăn và phục vụ du khách tại dịch vụ homestay (ảnh T.D.)
 

Từ việc khai thác, kết nối những tiềm năng sẵn có cùng với những nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ, hợp tác du lịch của các đơn vị lữ hành trong và ngoài huyện, Cù lao Tam Hiệp đang là điểm đến lý tưởng cho du khách khám phá du lịch sông nước miệt vườn Bến Tre, những nét đẹp văn hóa truyền thống và cảnh đẹp thiên nhiên đủ để giữ chân du khách. Hy vọng, trong tương lai không xa, huyện Bình Đại sẽ có những bước đột phá trong phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và ngành Du lịch Sinh thái Sông nước Xứ dừa Bến Tre./.

Thanh Sơn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu

X

Thông báo