Tiềm năng phát triển du lịch của Mỏ Cày Nam

09/06/2023 1105 0
Về huyện Mỏ Cày Nam, dải đất này nằm giữa hai con sông Hàm Luông và Cổ Chiên, chạy dài hơn 70 km ra Biển Đông. Trên địa bàn huyện, có quốc lộ 57 và quốc lộ 60 đi qua, tạo thuận lợi cho Mỏ Cày Nam trong liên kết vùng, kết nối với các địa phương trong và ngoài tỉnh, phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Sau khi triển khai Kế hoạch số 78-KH/HU ngày 20/10/2017 của Huyện Ủy về thực hiện chương trình hành động số 22-CTr/TU và Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Toàn huyện đã hình thành 11 điểm tham quan du lịch thu hút khá đông lượng khách du lịch đến tham quan. Các di tích lịch sử trên địa bàn huyện như: Khu di tích quốc gia đặc biệt Đồng Khởi (nơi diễn ra cuộc Đồng khởi 17/01/1960), di tích cấp quốc gia Chùa Tuyên Linh (Nơi ở làm việc và bốc thuốc của cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ) cùng với các sản phẩm du lịch khác như: Chợ Nổi dừa sông Thom; khu du lịch sinh thái Cồn Thành Long; cơ sở sản xuất kẹo dừa Tuyết Phụng; làng nghề sản xuất, sơ chế chỉ xơ dừa, làng nghề đóng ghe tàu xã An Định; cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gáo dừa; hợp tác xã mây tre lá; tổ hợp tác bưởi da xanh, vườn dừa hữu cơ… Cơ sở hạ tầng phục vụ có chuyển biến, các cơ sở kinh doanh du lịch có nhiều cố gắng và quan tâm đến chất lượng sản phẩm du lịch. Mỏ Cày Nam hàng năm đón khoảng 150.000 lượt khách du lịch. Các điểm tham quan đang phát triển hướng đến việc phát triển du lịch bền vững. Đối với công tác phát triển du lịch của huyện được quan tâm, huyện đã hình thành được Ban chỉ đạo về phát triển du lịch. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền phát triển du lịch, xây dựng được website du lịch của huyện.

Tuy nhiên, nhìn chung tiềm năng du lịch ở huyện chưa khai thác hết, công tác phối hợp để xây dựng về đề án phát triển du lịch chậm được triển khai, việc quản lý giá cả các mặt hàng, sản phẩm du lịch chưa chặt chẽ. Phương tiện, nguồn lực, vật chất phục vụ khách du lịch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tính chuyên nghiệp và khá lúng túng. Các điểm tham quan du lịch hình thành còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, chưa giữ chân khách lưu trú dài ngày, chưa có điểm ăn uống phục vụ khách du lịch. Nhất là thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm để phục vụ khách du lịch.

Chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Nam Võ Văn Út cho biết: Huyện nỗ lực để xúc tiến công tác quy hoạch để cho ra đời chính thức Đề án làng dừa sông Thom, đề án phát triển khu dân cư tập trung gắn với du lịch sinh thái cồn Thành Long. Đối với Khu di tích Đồng Khởi phải hình thành được quần thể di tích 40ha, định hướng để mời gọi đầu tư khai thác du lịch. Đề xuất các ngành liên quan hỗ trợ địa phương xúc tiến, quảng bá, mời gọi các doanh nghiệp liên kết, phát triển các tour du lịch trên sông Thom.

Hiện tại, huyện Mỏ Cày Nam đang tìm những giải pháp thiết thực nhằm xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp địa phương để phục vụ du khách như: Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư đến những giá trị về truyền thống, tái hiện làng du kích mang đậm tính hào hùng của Đội quân tóc dài trong Cuộc Đồng Khởi năm xưa. Kết hợp với tài nguyên thiên nhiên phát triển du lịch cộng đồng mang tính đặc thù của địa phương. Tập trung phát huy các chuỗi giá trị của cây dừa, kết hợp các sản phẫm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe. Từ đó, phát triển loại hình du lịch làm đẹp và nghĩ dưỡng, mang tính cộng đồng để có nhiều sản phẩm du lịch mới không trùng lắp trong vùng, hay trong Cụm. Nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch của cộng đồng dân cư. Đồng thời giải quyết việc làm tại địa phương.

Với những giá trị và tiềm năng sẵn có, thời gian tới huyện Mỏ Cày Nam sẽ phát triển thế mạnh về du lịch, quê hương Đồng Khởi sẽ khoác lên mình tấm áo mới, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước.

Cẩm Lynh

Related Post

Sample Plan

X

Notification