Khám phá ẩm thực bánh dân gian tại các “chợ quê” Mỏ Cày Nam

09/06/2023 1534 0
Vùng đất Nam bộ nói chung trong đó có huyện Mỏ Cày Nam là vùng đất đa tộc người, đa văn hóa và đa tôn giáo. Đặc biệt trong quá trình giao lưu và phổ biến, phát triển văn hóa ẩm thực, mỗi tộc người đều cố gìn giữ bản sắc riêng của mình để làm phong phú và đa dạng hóa các món ăn của mình, trong đó có bánh dân gian. Bánh dân gian đã trở thành nét đặc sắc tạo nên thương hiệu riêng của văn hóa ẩm thực.

Với huyện Mỏ Cày Nam, tại các khu chợ truyền thống có rất nhiều bánh dân gian được bày bán mỗi dịp nhóm chợ nhưng đa phần các loại bánh đều có thành phần hương vị nước cốt dừa, đây được xem như là “đặc sản” của vùng quê xứ dừa tiêu biểu như các loại bánh bò, bánh bèo, bánh da lợn,…

Sau khi thưởng thức tại chợ các món bánh thì khách tham quan có thể mua về các loại bánh để ăn dần trong ngày và làm quà biếu mang đậm vị quê hương xứ dừa như bánh lá dừa, bánh tét, bánh cún,…

Bánh dân gian đã có từ lúc khai hoang mở đất. Người dân đã tận dụng môi trường tự nhiên và các nguồn nguyên liệu từ gạo, nếp, khoai, củ để chế biến thành những món bánh vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng. Đối với người Nam bộ, bánh không chỉ dùng để ăn mà còn để giao lưu văn hóa. Hiện nay, Nam bộ có trên 100 loại bánh dân gian với nhiều hình thức chế biến khác nhau. Bánh có nhiều loại: Ngọt, mặn, có nhân và không có nhân; có loại bánh gói, có loại bánh trần; hình dáng từ tròn, dẹp, vuông, tháp đến hình trụ. Các loại bánh dân dã này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người dân Nam bộ.

Lúc ban đầu, những chiếc bánh dân gian đầu tiên ra đời rất đơn sơ, mộc mạc. Hầu hết bánh được gói bằng lá chuối tươi, lá dừa, lá dong, lá tre, hoặc nắn trên lá mít, lá tre, lá lùn. Trước đây, muốn làm ra những chiếc bánh, ông cha ta phải xay lúa, xay nếp, giã gạo, nhồi bột, ép bánh, nắn bánh, nướng bánh, hấp bánh... Hầu hết đều buộc bánh bằng dây lát, dây chuối hoặc lạt tre; nấu bánh bằng nồi đất, lò đất, chụm củi... Nhờ vậy mà khi thưởng thức, chúng ta mới khám phá được hương vị tự nhiên, màu sắc và nét tinh tế của từng loại bánh.

Bánh dân gian Nam bộ là món ăn dùng ngoài hai bữa cơm chính. Tùy theo điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội mà mỗi vùng miền đều có những loại bánh khác nhau. Có những loại bánh dùng ăn no, ăn trong lúc lao động; có những loại bánh dùng hoặc ăn chơi, ăn tráng miệng nhằm bổ sung năng lượng cho hai bữa cơm chính. Bên cạnh đó, còn có những loại bánh dùng để cúng trong những dịp trọng đại, gọi là “bánh thiêng”. Cụ thể như chè, xôi, bánh tét,… thường dùng trong các ngày lễ, Tết, hội hè, đình đám hoặc cúng tổ tiên và thánh thần (thường là Thần hoàng) ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Trãi qua bao thế hệ nhưng bánh dân gian Nam bộ là món ăn dân dã, mộc mạc song có một giá trị, một chỗ đứng riêng trong văn hóa ẩm thực của các làng quê Nam bộ. Được làm nên từ hạt lúa, củ khoai, củ mì… từ đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, các loại bánh quê trở thành một phần không thể thiếu trong ký ức tuổi thơ của mỗi người con làng bánh, để rồi khi đi xa lại mang theo nỗi nhớ quê hương, nơi có từng làn hương quen thuộc vấn vương theo khói bếp, nơi có những ngày thơ dại ngồi tựa cửa chờ mẹ đi chợ về để được hít hà trong từng hương vị bánh quê…

Theo thời gian, bánh dân gian len lỏi từ miền quê sông nước đến hang cùng ngõ hẻm mọi đô thị, đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ người Việt ở Sài Gòn hay các tỉnh, thành miền Tây. Bánh dân gian là một phần của ẩm thực đường phố Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á khác với tên tiếng Anh là "street food"; là điểm đến của các tour tuyến du lịch ngoài phong cảnh và công trình văn hóa. Ngày nay, bánh dân gian trước đây chỉ sử dụng trong cộng đồng, làng xã sau đó đã từng bước ra thị trường trong và ngoài nước.

Để bánh dân gian phát huy trong đời sống đương đại

Xã hội ngày càng phát triển, ẩm thực cũng ngày càng phong phú hơn, để bánh dân gian không bị lãng quên và mai một, bên cạnh giá trị ẩm thực và văn hóa độc đáo, bánh dân gian Nam Bộ còn có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Thế nên để thu hút khách du lịch thiết nghĩ cần thiết lập bản đồ nghề bánh dân gian, gắn với tour tuyến du lịch để tạo thêm điểm nhấn. Bên cạnh đó cần chú trọng xây dựng thương hiệu, hài hòa giữa ẩm thực Nam Bộ với xu hướng ẩm thực thế giới.

Ngoài ra, các đơn vị chức năng cũng cần hỗ trợ nghệ nhân và cơ sở sản xuất bánh dân gian phát triển sản xuất, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thương mại giữa các địa phương; tạo điều kiện cho nghệ nhân liên kết với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, khi tham gia vào thị trường hàng hóa, bánh dân gian cũng phải tuân thủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… Đổi mới để hội nhập là xu thế tất yếu, tuy nhiên, quan trọng nhất là phải luôn giữ được cái “hồn”, cái tinh túy của món bánh dân gian, để người thưởng thức dù ở đâu cũng vẫn cảm nhận được hương vị của quê hương.

Với những ý nghĩa mang bản sắc riêng, có thể nói, bánh dân gian là một phần của quốc hồn, quốc tuý; là một mảnh ghép độc đáo của văn hoá dân tộc. Lưu giữ và phát triển bánh dân gian cũng chính là đang góp phần lan tỏa văn hóa Việt.

Tường Vy

Related Post

Sample Plan

X

Notification