Khám phá tâm linh - Lăng Ông Thủy Tướng

05/03/2023 1312 0
Thành phố luôn sầm uất, đông vui và náo nhiệt. Tuy nhiên, khi về đến Bến Tre, đặc biệt là khi đến du lịch Mỏ Cày Nam, thì khách du lịch sẽ bắt gặp một địa chỉ tâm linh “cầu bình an - thấy bình an” ngay khi đặt chân đến. Đó chính là lăng Ông Thủy tướng.

Tọa lạc cách chân cầu Cổ Chiên gần 100m, từ bên ngoài nhìn vào, thấy ngay những chữ lớn: "LĂNG ÔNG THỦY TƯỚNG". 

Ảnh Lăng ông thủy tướng, ấp Thành Long, xã Thành Thới A

Theo lời kể lại, Lăng Ông Thủy Tướng trải qua giai đoạn hình thành và phát triển khác nhau; Xa nhất, tiền thân Lăng Ông (vào ngày 23/5/2006 tại ấp Thành Long) nơi dòng sông Cổ Chiên có vợ chồng anh Tài Văn Dầu làm nghề chở mụn dừa, khi ghe về đến bến thì hai người hoảng hốt rồi khóc lên khi nhìn thấy có một con cá to từ sông Cổ Chiên trượt sâu vào đám dừa nước vùng vẩy và giãy chết, làm cho đám dừa nước tróc gốc, tan hoan. Lúc này trời cũng đã xuất hiện những đám mây đen, nổi lên u ám cả một vùng trời kéo theo là giông gió nổi lên mưa bão 5-6 ngày. Được biết, cá ông (hay còn gọi là cá voi xám) đây là loài cá sống ở biển nhưng không hiểu lý do vì sao cá voi bơi vào vùng nước ngọt lụy chết ngay trên đất Cồn; xưa nơi đây là một vùng sâu vùng xa hẻo lánh còn đèn dầu leo lét, đường lầy lội, người dân sống chủ yếu ở đây duy chuyển bằng đường thủy là chính, đa số là hộ nghèo, đói… Chuyện lạ đồn xa, thì hôm sau có một ngư dân ở Trà Vinh chạy tàu cá ghé xem, ông bảo đây là “Cá Ông” rồi dùng một miếng gỗ, làm cái bàn hương án và thấp hương, cứ mỗi ngày 200-300 người các nơi, thuê ghe xuồng mái chở đến đây xem vì sự hiếu kỳ làm cho nơi đây ngày càng náo nhiệt.

Sau đó, UBND huyện Mỏ Cày cùng nhóm nghiên cứu môi trường tỉnh Bến Tre đã đến khảo sát và xác định đây là Cá Ông nên đã cho chôn cất. Sau đó, đúng 1 năm người dân trong ấp đem xương cốt Cá Ông lên xây dựng lập miếu thờ vào ngày 7/7/2007 DL và được sự chấp thuận của UBND huyện, khánh thành Lăng Ông Thủy Tướng và thành lập Hội Lăng Ông thờ cúng đến nay. Được biết, Cá Ông có chiều dài 7m, lần trùng tu gần nhất năm 2010, mỗi năm cúng một lễ vào ngày 23/5 âm lịch. Từ ngày thờ Lăng Ông Thủy Tướng  trên đất Cồn thì người dân xứ Cồn càng ăn nên làm ra, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá giàu; Năm 2014, niềm vui vỡ òa tiếng cười, cùng nước mắt người dân nơi đây chiếc cầu Tân Điền, cầu Cổ Chiên nối liền đôi bờ sông. Chiếc cầu bắt qua kết thúc “muốn sang sông phải lụy đò”, khát khao bao đời đã thành hiện thực, đường lộ nay đã được bê tông hóa, mở ra hướng phát triển du lịch cho Cồn Thành Long trong tương lai gần.

Lăng ông Thủy Tướng, mỗi năm khách đến ngày càng đông có khoảng 2.500 lượt khách, nhất là các ghe tàu đi ngang đền hay ghé cúng váy để cầu mong thuận buồm suôi gió, … và quý khách ghé dùng nước quán cập sông cổ chiên ghi lại tấm ảnh nơi đền thờ Lăng Cá Ông. Đến dùng cơm trưa tại nhà chú Mười thưởng thức món ăn đặc sản xứ dừa như canh chua cá bông lao bần, tép rang dừa xả; tôm, cá sông nướng mọi…. Cùng thưởng thức món ăn tinh thần là đờn ca tài tử, rai rai cùng 8 vị rượu được chủ nhà giới thiệu từ cây nhà lá vườn,… xứ Cồn Thành Long.

Lăng Ông Thủy Tướng hiện nay nằm cách trung tâm Thành phố Bến Tre 30 cây số, cách tỉnh Trà Vinh một cây số là địa điểm thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan. Lễ hội lăng Ông chứa đựng nhiều giá trị văn hóa tinh thần tiêu biểu của cộng đồng ngư dân địa phương, đây là một phương thức để con người bày tỏ ước vọng và tấm lòng của họ đối với thần linh. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân cồn Thành Long thì lễ hội còn là dấu ấn văn hóa quan trọng để khai thác các hoạt động du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, phục vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

Hoàng Quân

 (Nguồn cung cấp thông tin Lăng Thủy Tướng  từ chú Lê Văn Hoanh, ấp Thành Long, xã Thành Thới A)

Related Post

Sample Plan

X

Notification