Vẻ đẹp cồn nổi trên dòng Cổ Chiên

31/12/2022 2784 0
Bến Tre nằm ở cuối nguồn sông Mekong huyền thoại, được bao bọc bởi 4 con sông lớn (Sông Tiền, Sông Ba Lai, Sông Hàm Luông, Sông Cổ Chiên) và hệ thống kênh rạch chằng chịt. Chính những dòng sông lớn hiền hòa ấy đã mang nặng phù sa bồi đắp và hình thành trên xứ sở này nhiều cồn nổi, tạo nên nét đặc trưng riêng của Bến Tre. Trong đó, sông Cổ Chiên với chiều dài khoảng 82 km, được xem là ranh giới tự nhiên giữa Bến Tre và hai tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long. Xuôi dòng Cổ Chiên mênh mông, du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của 05 cồn nổi với những vườn cây ăn trái sum suê, cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, gồm: Cồn Phú Đa, cồn Phú Bình, cồn Kiến, cồn Lát và cồn Thành Long.

Nằm giữa đoạn sông Cổ Chiên chảy qua, cồn Phú Đa nổi bật lên là vùng đất có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sinh thái trong lành với những vườn trái cây trĩu quả. Và hơn hết, nơi đây còn nổi tiếng với đặc sản ốc gạo trứ danh.

Cồn Phú Đa thuộc xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Cách trung tâm thành phố Bến Tre khoảng 45 km. Nếu sang cồn bằng phà nhỏ chỉ mất khoảng 5 phút. Cồn có diện tích 333 ha với khoảng hơn 3000 nhân khẩu sinh sống. Hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy trên cồn khá thuận lợi cho đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Cồn có nước ngọt quanh năm, nhiều phù sa bồi đắp, nên vườn cây ăn trái lúc nào cũng tươi tốt, trĩu quả. Người dân nơi đây đa số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp, nhờ chăm chỉ canh tác và áp dụng kỹ thuật ra trái nghịch mùa mà vùng này hình thành nhiều vườn chuyên canh cây ăn trái như: Sầu riêng, chôm chôm, nhãn, xoài tứ quý… và nhiều loại cây ăn trái suốt bốn mùa.

CON - HT SONG CO CHIEN - 31122022 (2).png

CON - HT SONG CO CHIEN - 31122022 (3).png

Đặc sản trên cồn Phú Đa (Ảnh: Sưu tầm)

Theo người dân nơi đây kể lại, ngày trước dân cồn còn nghèo, nên mới đặt tên là cồn Phú Đa, với mong muốn đa số người dân sẽ giàu có lên. Vùng này ốc gạo nhiều vô kể, người dân nghèo lúc xưa thường bắt về ăn thay cơm, do quá nhiều nên họ mang đến các gia đình giàu có trong vùng đổi lấy lương thực. Thế là từ xưa đã hình thành “thương hiệu" ốc gạo Phú Đa. Ốc gạo có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn khác nhau nhưng món ăn du khách thích nhất vẫn là ốc luộc bởi vị ngọt thanh của ốc được giữ nguyên. Còn gì bằng một buổi chiều ngồi nhâm nhi dĩa ốc gạo luộc chấm nước mắm tỏi ớt trên dòng sông Cổ Chiên, nghe đờn ca tài tử, đây là sản phẩm du lịch độc đáo mang nét văn hóa vùng ấn tượng đối với du khách.

Trong tương lai cồn Phú Đa sẽ là điểm đến du lịch sinh thái - sông nước - miệt vườn hấp dẫn. Bởi quang cảnh hoang sơ, thoáng mát, người dân đôn hậu, mến khách. Đặc biệt, là các vườn cây ăn trái cùng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, cảnh sông nước hữu tình, chắc chắn sẽ thu hút du khách khi đến khám phá nơi đây.

Nằm bên cạnh cồn Phú Đa và cùng thuộc địa phận xã Vĩnh Bình, cồn Phú Bình vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ đặc trưng của hệ thống cồn nổi ở Bến Tre. Cồn có diện tích 71 ha, được hình thành và nổi hoàn toàn từ khoảng 50 năm trở lại đây. Hiện nay, trên cồn đang triển khai xây dựng khu du lịch cồn Phú Bình nhằm phát triển nơi đây trở thành điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái.

CON - HT SONG CO CHIEN - 31122022 (4).png

Một góc cồn Phú Bình (Ảnh: Sưu tầm)

Ngoài ra, cồn Lát và cồn Kiến cũng là những điểm đến thú vị, mới lạ, đang đợi du khách đến khám phá, trải nghiệm ở “Vương quốc cây trái Chợ Lách".

Cồn Lát và cồn Kiến thuộc địa phận xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, nằm im ắng bên dòng sông Cổ Chiên rộng lớn. Cồn Kiến thuộc ấp Long Khánh có diện tích hơn 84 ha, khoảng cách từ cồn vào bờ phía Bến Tre là khoảng 01 km. Theo lời các cụ cao niên sống trên cồn kể lại, khoảng năm 1950 - 1960, cồn nổi lên cao, vì có nhiều kiến nên người dân đặt tên là cồn Kiến. Trên cồn hiện có 22 hộ dân, sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cây ăn trái như: chuối, nhãn, xoài…và nuôi cá.

 Trong khi đó, Cồn Lát (ấp Quân Bình) đón những cư dân đầu tiên từ đất liền ra canh tác cây lâu năm và nuôi cá từ trước năm 1990. Hiện nay cồn có diện tích gần 90 ha với 36 hộ dân đang sinh sống.

Xuôi dòng Cổ Chiên đổ ra biển, nơi cầu Cổ Chiên nối đôi bờ Bến Tre, Trà Vinh đi qua có Cồn Thành Long thuộc xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, với diện tích 445 ha vườn dừa cùng 471 hộ dân và hơn 2.100 nhân khẩu sinh sống. Cồn còn được gọi là cồn Lớn, hợp thành bởi 05 cồn (cồn Nẩy, cồn Cát, cồn Chen, cồn Bà Hiền, cồn Bà Lành). Nhờ phù sa của dòng Cổ Chiên bồi đắp, những vườn dừa xanh mát, môi trường trong lành và hoang sơ, người dân trên cồn sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trồng dừa xen bưởi da xanh nên thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, trên cồn còn có Lăng Ông Thủy tướng thờ bộ xương cá ông và Miếu Bà Chúa Xứ do người dân lập nên từ nhiều năm qua.

CON - HT SONG CO CHIEN - 31122022 (1).jpg

CON - HT SONG CO CHIEN - 31122022 (1).png

Cảnh quan trên cồn Thành Long (Ảnh: KD)

Cồn Thành Long nằm bên chân cầu Cổ Chiên, thuận tiện trong giao thông kết nối với các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long. Khi cầu Đại Ngãi được xây dựng sẽ khai thông tuyến quốc lộ 60, kết nối các tỉnh duyên hải như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, tạo tiền đề thúc đẩy giao thương thuận lợi với Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đông Nam Bộ. Nơi đây có thể trở thành một địa điểm dừng chân nghỉ dưỡng lý tưởng cho du khách. Cồn có tiềm năng phát triển đa dạng các loại hình du lịch, từ du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, du lịch nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí đến du lịch tâm linh. Cùng với đó, huyện Mỏ Cày Nam đã có đề án phát triển và kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Cồn Thành Long, góp phần tạo điểm nhấn trong liên kết du lịch “một hành trình, bốn điểm đến" trên Cù Lao Minh, tỉnh Bến Tre.

Hiếm có nơi nào trên đất nước Việt Nam lại có địa hình sở hữu nhiều cồn nổi như ở Bến Tre. Ngày nay nhắc đến Bến Tre, du khách không chỉ nhớ đến hình ảnh cây dừa mà còn là xứ sở của cồn nổi, mỗi cồn lại có sức hút của riêng mình. Tin rằng với những lợi thế đang có, cùng với sự hào sảng và mến khách của người dân, trong tương lai không xa các cồn trên sông Cổ Chiên nói riêng và Bến Tre nói chung sẽ là những điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng nổi bật của quê hương “ba đảo dừa xanh". Góp phần đưa thương hiệu “Du lịch Sinh thái Sông nước Xứ Dừa" ngày càng vươn xa trên bản đồ du lịch Việt Nam./.

Trung tâm TTXTDL Bến Tre

Related Post

Sample Plan

X

Notification