Bến Tre Khảo Sát Mô Hình Du Lịch Cộng Đồng Tại Quảng Nam - Cơ Hội Phát Triển Du Lịch Bền Vững

17/04/2025 355 0
Trong những năm gần đây, du lịch cộng đồng ngày càng trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ở những vùng có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa truyền thống. Với mong muốn phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre tổ chức chuyến khảo sát và học tập kinh nghiệm mô hình du lịch cộng đồng tại Làng rau Trà Quế (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) từ ngày 03 - 05/04/2025.

Đoàn công tác tỉnh Bến Tre gồm: Bà Nguyễn Thị Bé Mười - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn, Ông Nguyễn Văn Trung - Tỉnh Ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm Phó Trưởng đoàn; đại diện các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng đại diện một số hội viên Hiêp hội Du lịch tỉnh như: Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Giáo dục Hải Vân (Nông trại Hải Vân - Sân chim Vàm Hồ), Công ty TNHH TMDVDL Bảo Khôi (Khu nghĩ dưỡng Rooster Mekong), Homestay Út Trinh Bến Tre, Công ty Cổ phần Du lịch Hoàng Lam (Khách sạn Dừa), Công ty TNHH MTV Truyền thông và Du lịch C2T. Đây là dịp để cơ quan nhà nước, Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp du lịch khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, từ đó vận dụng những kinh nghiệm này vào việc xây dựng mô hình du lịch mới phù hợp với thực tế địa phương.

Bà Nguyễn Thị Bé Mười - Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh

phát biểu tại buổi làm việc cùng tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Kiều Duyên)

Nhắc đến Hội An, nhiều người sẽ liên tưởng đến những ngôi nhà cổ kính, dòng sông Hoài thơ mộng hay những con phố đèn lồng rực rỡ. Nhưng bên cạnh đó, Làng rau Trà Quế tại xã Cẩm Hà lại mang một vẻ đẹp rất riêng - thanh bình, xanh mát và tràn đầy sức sống. Từ bao đời nay, Trà Quế đã nổi tiếng với những luống rau xanh tươi, được canh tác theo phương pháp truyền thống, không sử dụng hóa chất mà tận dụng nguồn phân bón tự nhiên từ rong rêu sông nước. Chính phương pháp canh tác độc đáo này không chỉ giữ gìn được hương vị đặc trưng của rau Trà Quế mà còn tạo nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn cho Đô thị cổ Hội An, nhờ vào việc cho du khách trực tiếp tham gia vào quy trình canh tác và thưởng thức sản phẩm từ chính những nguyên liệu sạch này.

Đoàn công tác khảo sát mô hình du lịch cộng đồng tại Làng rau Trà Quế (Ảnh: Kiều Duyên)

Bến Tre cũng sở hữu những lợi thế tương tự với những vườn dừa xanh bạt ngàn, những vườn cây ăn trái trĩu quả và đặc biệt là vương quốc cây giống, hoa kiểng Chợ Lách. Với thế mạnh là vùng đất trù phú nổi tiếng về hoa kiểng, cây giống và nét văn hóa miệt vườn đặc sắc, Chợ Lách có thể trở thành điểm đến hấp dẫn nếu được kết hợp giữa hoạt động nông nghiệp truyền thống với trải nghiệm du lịch. Du khách không chỉ tham quan mà còn có thể trực tiếp tham gia vào các hoạt động như trồng cây, chiết ghép cây giống, tạo hình bonsai, hoặc thưởng thức các món ăn bản địa sử dụng nguyên liệu sạch từ vườn. Ngoài ra, một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Bến Tre cũng có thể phát triển những mô hình như trên, nơi du khách được trải nghiệm trồng dừa, chế biến các món đặc sản từ dừa hay tham gia vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống. Sự gắn kết giữa người dân địa phương và du khách sẽ không chỉ góp phần tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng mà còn giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất Bến Tre.

Không chỉ dừng lại ở việc tìm hiểu mô hình du lịch cộng đồng tại Làng rau Trà Quế, đoàn công tác đã đến khảo sát, học hỏi thêm nhiều cách làm du lịch đặc sắc tại tỉnh Quảng Nam. Đoàn được nghe thuyết minh về Di sản Văn hóa thế giới Thánh địa Mỹ Sơn, từ đây có thêm góc nhìn về cách khai thác giá trị văn hóa - lịch sử gắn với phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, đoàn cũng tìm hiểu các sản phẩm dịch vụ đặc trưng như: Khu du lịch Rừng Dừa Bảy Mẫu, chương trình nghệ thuật “Ký ức Hội An”, mô hình làng Củi Lũ,…

Đoàn công tác tỉnh Bến Tre tìm hiểu về các sản phẩm đặc trưng tại Làng Củi Lũ

(Ảnh: Kiều Duyên)

Cũng trong chuyến khảo sát, đoàn có buổi làm việc với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam để tìm hiểu về công tác quản lý nhà nước, sự tham gia, hỗ trợ của chính quyền các cấp đối với hoạt động du lịch, cách thức thu hút du khách và duy trì sự phát triển bền vững. Những kinh nghiệm này là hình mẫu cần thiết giúp Bến Tre có thể xây dựng những sản phẩm du lịch cộng đồng chất lượng, góp phần nâng cao sức hút của địa phương. Đồng thời, dự kiến trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ thực hiện hồ sơ đề nghị Giải thưởng “Làng Du lịch tốt nhất” của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc đối với Làng Văn hoá Du lịch Chợ Lách. Do đó, mong muốn tỉnh Quảng Nam, Thành phố Hội An hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm từ làng rau Trà Quế về cách thức xây dựng hồ sơ để được công nhận Làng Du lịch tốt nhất thế giới.

Ngoài ra, chuyến khảo sát còn mở ra cơ hội giao lưu và kết nối giữa hai địa phương. Bến Tre và Quảng Nam đều có những lợi thế riêng về du lịch sinh thái và cộng đồng, các doanh nghiệp du lịch của tỉnh Bến Tre đã có cơ hội gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với cơ quan quản lý và các doanh nghiệp du lịch tại Quảng Nam. Qua đó, các đơn vị có thể hiểu rõ hơn về sản phẩm, dịch vụ và thị trường du lịch của nhau, từ đây mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kết nối tour - tuyến, đưa khách du lịch đến tham quan giữa hai tỉnh.

Chương trình làm việc giữa đoàn công tác tỉnh Bến Tre và tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Kiều Duyên)

Chuyến khảo sát tại Làng rau Trà Quế và các điểm đến du lịch Quảng Nam không chỉ mang ý nghĩa trao dồi mà còn là bước đi góp phần thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng tại Bến Tre. Với những kinh nghiệm thu thập được, cơ quan quản lý, Hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ có thêm góc nhìn thực tế để xây dựng những sản phẩm du lịch đặc sắc, phù hợp với điều kiện và tiềm năng phát triển của Xứ Dừa Bến Tre trong tương lai./.

Kiều Duyên

Related Post

Sample Plan

X

Notification